• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bước tiến dài trong lĩnh vực bất động sản

Sau 2 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những bước tiến dài, cả về lượng và chất, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản.

Tại hội buổi thảo đánh giá tác động hội nhập sau 2 năm gia nhập WTO, đối với nền kinh tế Việt Nam về lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng tổ chức tại Hà Nội ngày 26/12 vừa qua, các chuyên gia thống nhất rằng, mặc dù còn nhiều hạn chế cần khắc phục nhưng nhìn nhận một cách tổng thể, thị trường bất động sản Việt Nam đang dần vận động theo đúng quỹ đạo của… thị trường!

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Thế kỷ (CEN Group), sự tiến bộ kể trên được thể hiện một cách rõ ràng khi thị trường bất động sản Việt Nam từ chỗ không được xếp hạng chỉ số minh bạch đã vươn lên nằm trong tốp những thị trường có tính minh bạch!
Những cam kết về tự do hoá thị trường khi gia nhập WTO đã giúp các công ty quản lý bất động sản quốc tế có điều kiện phát triển tại Việt Nam như CBRE, Savill, Collier… và kích thích các công ty dịch vụ bất động sản trong nước phát triển với tốc độ nhanh chóng.

"Chính các công ty dịch vụ bất động sản đã dần dần hình thành để thay thế các trung tâm và cá nhân môi giới nhỏ lẻ. Các dịch vụ liên quan đến bất động sản cũng đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu cho một thị trường giàu tiềm năng và có tác động lớn tới nền kinh tế đất nước", ông Hưng nói.

Sau 2 năm Việt Nam ra nhập WTO, thị trường bất động sản đã có sự phát triển mang tính bùng nổ. Đầu tư vào bất động sản đang là lĩnh vực thu hút một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội và tạo ra lượng giá trị gia tăng lớn. Tại thời điểm này, tổng dư nợ vốn cho vay đầu tư bất động sản tại các tổ chức tín dụng trong cả nước là trên 115.000 tỷ đồng (chiếm 9,5% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế).

Chỉ tính riêng trong năm 2008, hàng chục dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản với tổng số vốn đăng ký lên đến hàng chục tỷ USD, cho thấy phần nào sức hấp dẫn và khả năng sinh lợi của thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam cũng chỉ rõ những yếu kém cần khắc phục để thị trường này trở thành đòn bẩy thực sự của nền kinh tế. Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, trong giai đoạn thị trường hiện nay, thị trường vốn đã được điều chỉnh khá mạnh với những hình thức mới của thị trường chứng khoán và công ty cổ phần.

Từ đó, diện mạo của thị trường bất động sản cũng đã được điều chỉnh theo, liên thông mạnh mẽ với thị trường tài chính. Sự lên xuống của thị trường bất động sản, luôn kéo theo sự thăng hay trầm của thị trường tài chính và ngược lại.
"Những lý thuyết về thị trường bất động sản trước đây đã không còn phù hợp. Thực tế đang cần những lý thuyết kinh tế mới về thị trường bất động sản, mà mối quan hệ giữa thị trường này và thị trường tài chính đóng vai trò quyết định"- ông Võ nhấn mạnh.

Sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bất động sản trải qua nhiều bước thăng - trầm và hiện tại là tương đối trầm lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ từ đầu năm đến nay đã cho kết quả ban đầu khả quan. Theo đó, lạm pháp đã giảm dần, tốc độ tăng trưởng có giảm đi nhưng vẫn không phải là âm.

Do vậy, chắc chắn là nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng dù có thấp hơn các năm trước. Việc các ngân hàng giảm lãi suất là một tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản. Theo các chuyên gia, việc Chính phủ công bố các giải pháp kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế trong năm 2009 cũng sẽ là cơ hội để thị trường bất động sản "ấm lên".

TheoBáo Đầu tư

  • 0
  • By Admin
  • 02/01/2009
  • 17