Bùng phát tranh chấp chung cư cao tầng
Liên tục trong thời gian gần đây, tại các tòa nhà chung cư từ cao cấp cho đến thấp cấp đều nảy sinh rất nhiều mẫu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà và các cư dân về phí dịch vụ, phí quản lý, tiện ích chung, chất lượng tòa nhà.... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là do luật pháp thiếu các điều chỉnh chi tiết.Đơn cử, “nóng” nhất hiện nay là vấn đề tầng hầm là của ai và phí dịch vụ chung cư. Tại Hà Nội, UBND TP đã ban hành mức phí trần chung cư. Theo đó, nhà chung cư không có thang máy được quy định 2.400 đồng/m2/tháng, nhà chung cư có thang máy mức thiết yếu là 3.100 đồng/m2/tháng, nhà chung cư có thang máy mức mở rộng là 4.000 đồng/m2/tháng. Với những nơi có được sự đồng thuận thì không cần áp dụng theo mức giá trên. Đây chính là mấu chốt của mâu thuẫn. Một số khu chung cư có phí dịch vụ cao hơn hẳn như Keangnam là 15.085 đồng/m2/tháng (chưa có VAT), Golden West Lake và Pacific Place là 16.720 đồng/tháng (chưa có VAT). Đa số các hộ dân tại đây đều tỏ ra bức xúc với cùng một quan điểm: cư dân chỉ cần minh bạch thu chi, cơ sở cấu thành giá phí, còn không bàn đến đắt rẻ, cao thấp. Vậy, đâu là thước đo là cơ sở cho những cơ sở dịch vụ ấy?Trước kia, nhà nước định nghĩa tầng hầm thuộc sở hữu chung của cư dân. Sau đó điều chỉnh tùy từng dự án. Nếu căn hộ tầng hầm không nằm trong giá thành xây dựng thì thuộc chủ đầu tư, nếu nằm trong giá thành xây dựng sẽ thuộc các hộ dân. Đây là một điểm yếu về pháp lý gây nhiều mâu thuẫn và nó không có sự rõ ràng. Cần phải có sự chứng minh rõ thế nào là của chủ đầu tư, thế nào là của dân và phải có kiểm toán xây dựng....
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều các vướng mắc trong quá trình quản lý vận hành chung cư. Sự gia tăng khiếu kiện, tranh chấp trong quản lý, vận hành chung cư do nhiều nguyên nhân khác nhau như khung pháp lý thiếu, do chủ đầu tư khi bán nhà chỉ chú trọng việc thu lợi nhuận mà không giải thích rõ nghĩa vụ sau bán hàng. Ngoài ra, cũng có trường hợp người dân khi mua nhà không xem xét hết hợp đồng mua bán trong đó các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý, sử dụng nhà chung cư sau khi nhận bàn giao, đồng thời cũng có trường hợp mặc dù luật pháp đã có quy định giải quyết nhưng người mua nhà lại chưa nghiên cứu kỹ các quy định.
Để giải quyết tồn tại, hạn chế, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần nghiên cứu, thống kê vướng mắc, khiếu nại phát sinh liên quan đến quản lý nhà chung cư. Các sở ban ngành phối hợp chủ đầu tư vận hành tháo gỡ tranh chấp, vướng mắc của người dân. Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ chủ động nghiên cứu, xây dựng các quy định có liên quan đến quản lý nhà chung cư.
Ông Nguyễn Minh Hồng – Tổng giám đốc công ty CP quản lý và khai thác tòa nhà PMC cho rằng, cần phải nhanh chóng xây dựng Luật chung cư. Các nước trên thế giới đã xây dựng bộ luật về tòa nhà cao tầng trong đó có chung cư, là bộ luật điều chỉnh con người sinh hoạt trong đó. Chung cư là một sản phẩm nhà ở rất thành công, nó phù hợp với xã hội mà mức độ dân sự hóa cao. Tại Việt Nam , khi các vấn đề pháp lý chưa cao, hạ tầng bề bộn thì chung cư còn là một vấn đề khó khăn, Các quy định điều chỉnh cộng đồng sống trong chung cư đó chưa cao. Để hình thành nên một cộng đồng dân cư và để hình thành nên niềm tin trong cộng đồng phải có những nền tảng cơ bản về pháp lý điều chỉnh chi tiết những hành vi sinh hoạt của cộng đồng đó. Bản chất của các Bộ luật về nhà cao tầng, trong đó có chung cư là chi tiết hóa các hành vi về giao dịch dân sự của cộng đồng sống trong một tòa nhà cao tầng nói chung.
(Theo VnMedia)
- 0
- By Admin
- 08/10/2012
- 17