• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

“Bơm” tiền cứu bất động sản?: Không thể!

Giãn nợ - tăng cầu để cứu bất động sản
 
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói: “Nếu bây giờ ta “bơm” tiền cứu bất động sản có thể sẽ đưa lạm phát quay trở lại. Như vậy rất nguy hiểm. Tôi cho rằng không có khả năng “đổ vỡ” cả thị trường bất động sản. Có chăng sẽ chỉ là sự đổ vỡ của một số nhà đầu tư đã quá mạo hiểm với thị trường này trước đây. Nhưng đúng là thị trường bất động sản đang trì trệ. Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tốt nhất là các ngân hàng có biện pháp giãn nợ cho các doanh nghiệp. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự động cắt giảm lợi nhuận, chia sẻ với khó khăn chung của cả nền kinh tế”.
 
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình với quan điểm trên. Họ cho rằng, thị trường bất động sản chưa nghiêm trọng như những gì giới kinh doanh đang “kêu ca”, nhưng Nhà nước cũng cần có những điều chỉnh.
 
Tiến sỹ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, thời gian gần đây một số ngân hàng đã có động thái giãn nợ cho doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu rất tốt. Bên cạnh đó, bà Loan cũng kiến nghị Nhà nước nên mở rộng đối tượng Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam để tăng thêm cầu cho thị trường. Bà Loan nói: “Ở một số nước lân cận như Singapore, không chỉ người nước ngoài làm việc tại nước đó mới được mua nhà. Nên có những chính sách nào đó để khuyến khích những người không làm việc tại Việt Nam cũng có thể tham gia mua và đầu tư bất động sản. Trước hết, có thể là khu Phan Thiết, Mũi Né. Ở đó có nhiều dự án tốt, những dự án biệt thự nhìn ra biển. Một số nước trong khu vực đã làm như thế. Họ nhắm vào khách hàng giàu có từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ thu hút đối tượng mua nhà để nghỉ dưỡng, cho thuê. Như vậy sẽ làm cho ngành du lịch và ngành bất động sản phát triển”.
 
“Bơm” tiền cứu bất động sản?: Không thể!

Khi giá nhà trở nên hợp lý, giao dịch mua bán sẽ nhiều và thị trường sẽ ấm lên. Ảnh: T.L.

 
Thị trường chỉ xuống ở phân khúc nhà cao cấp
 
Về phía các nhà quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý  nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nói: “Theo thống kê của chúng tôi, thị trường chỉ xuống ở phân khúc nhà cao cấp có giá khoảng 30 triệu đồng/m² nhà chung cư. Với phân khúc nhà giá trung bình khoảng 10-15 triệu đồng/m² thì xuống không đáng kể”.
 
Về ý kiến lo ngại, thời gian tới, đầu tư nước ngoài vào bất động sản nước ta sẽ sụt giảm do những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, ông Hà nói: “Các nhà đầu tư nước ngoài không có ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy giá trị đầu tư của họ lớn, nhưng lại chỉ tập trung vào phân khúc thị trường nhà ở, văn phòng cho thuê cao cấp... trong khi chúng ta quan tâm đến nhà ở bình dân, cho người thu nhập thấp. Nên sự sụt giảm nếu có không phải là đáng lo ngại”.
 
Ông Hà cho rằng, vấn đề bây giờ là nguồn cung còn ít. Đặc biệt là nguồn cung các loại nhà giá bình dân. Bộ Xây dựng đang thực hiện đề án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Bản thân các nhà đầu tư cũng đang có động thái chuyển từ phân khúc cao cấp sang đầu tư cho các phân khúc nhà bình dân. Khi giá nhà trở nên hợp lý, giao dịch mua bán sẽ nhiều và thị trường sẽ “ấm” lên.
 
Bà Loan thì cho rằng, cần phải có những chính sách ưu đãi, quyết liệt hơn nữa để phát triển chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp. Mở rộng thêm các phương thức bán nhà trả góp và nhà cho thuê. Bà Loan nói: “Thị trường bất động sản không hề đóng băng. Có chăng là số lượng giao dịch trên thị trường ít hơn quý 4 năm 2007. Đóng băng tức là không có một giao dịch nào thực hiện hết. Xu hướng thị trường sẽ phát triển trở lại. Nhưng khi đó thị trường sẽ mang tính chất lành mạnh hơn, bền vững hơn trước. Nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng hơn trước khi ra quyết định đầu tư”.
 
“Thời gian gần đây, các chủ đầu tư và giới kinh doanh kêu ca nhiều, nhưng chủ yếu là những chủ đầu tư và giới kinh doanh ở phân khúc cao cấp của thị trường. Trong khi đó, phân khúc này chỉ chiếm khoảng 5% toàn bộ thị trường nhà ở, không thể hiện hết thị trường, cần phải có cái nhìn tổng thể. Không thể nhìn vào phân khúc hẹp để nói thị trường quá nóng hay đóng băng”.         
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

 

Theo Giadinh.net

  • 0
  • By Admin
  • 17/11/2008
  • 17