Bỏ công chứng hợp đồng nhà đất: Chuyển "nghĩa vụ" thành "quyền"?
Theo nghị quyết 52, chủ trương trên điều chỉnh tất cả hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà và đất; việc công chứng các hợp đồng nói trên được thực hiện theo nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng. Xung quanh vấn đề này, có hai luồng ý kiến khác nhau.Nhiều người lo ngại, không bắt buộc công chứng các hợp đồng về nhà đất, người dân gặp nhiều rủi ro. Ảnh: Thanh Hảo |
Đề cao quyền tự quyết
Theo luật sư Trịnh Thanh, văn phòng luật sư Người Nghèo, chủ trương của Chính phủ cho người dân tự chọn công chứng hay không đối với hợp đồng về nhà và đất là chủ trương tiến bộ và khả thi. Bộ luật Dân sự đã quy định người dân có quyền tự định đoạt trong các giao dịch dân sự với nhiều hình thức: bằng miệng, bằng văn bản hoặc hợp đồng có sự làm chứng của bên thứ ba... Vì vậy, quy định hiện hành bắt buộc các giao dịch về nhà đất phải công chứng là không hợp lý.Luật sư Thanh cho rằng, thực tế, có rất nhiều giao dịch nếu giảm thiểu thủ tục hành chính thì người dân đỡ phiền hà, mất thời gian, chi phí. Thí dụ như cha mẹ cho con đất, anh em bán nhà cho nhau, công ty bán nhà hình thành trong tương lai cũng không cần công chứng. Công chứng không phải là an toàn tuyệt đối vì rất nhiều trường hợp có công chứng hẳn hoi nhưng tranh chấp vẫn xảy ra. Toà án vẫn giải quyết những tranh chấp này. Dĩ nhiên, trong trường hợp giao dịch là tài sản lớn, người dân lo lắng thì vẫn có quyền lựa chọn công chứng.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh về “tinh thần đề cao quyền tự quyết của người dân” của nghị quyết 52/NQ-CP. Ông cho rằng “đây là điểm rất đáng ghi nhận để đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí của người dân và Nhà nước, thể hiện xu thế tiến bộ và hội nhập, phát huy quyền làm chủ của dân”. Khi những mối quan hệ được xác lập trên niềm tin như cha con, vợ chồng, anh em… thì công chứng hay không công chứng trong giao dịch, mua bán bất động sản có thể không còn cần thiết. Như vậy, người dân không còn thực hiện nghĩa vụ là bắt buộc phải qua công chứng khi giao dịch nhà đất nữa mà thực sự có quyền tự quyết.
Chuyền gánh qua công quyền?
Tuy nhiên, cũng có không ít mối lo khi thủ tục công chứng không còn là bắt buộc. Trước hết là hiểu biết pháp luật của một bộ phận người giao dịch còn hạn chế, việc hướng dẫn, tư vấn của công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng là một lợi ích mà người dân có được trong giao kết hợp đồng.Thứ nữa, mặc dù báo cáo của cục Kiểm soát thủ tục hành chính nêu “bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng không có nghĩa chuyển trách nhiệm công chứng sang cho cơ quan đăng ký nhà đất” nhưng nếu không bắt buộc công chứng, việc kiểm tra tính hợp pháp của giao dịch, hợp đồng sẽ chuyển sang đâu? Nếu chuyển trách nhiệm sang cơ quan quản lý về xây dựng và tài nguyên môi trường – tạm gọi là văn phòng đăng ký nhà đất, theo một đề xuất của bộ Xây dựng, khả năng tăng biên chế, tăng chi sẽ xảy ra? Hiện nay, trong các giao dịch về nhà đất, văn phòng đăng ký nhà đất là bộ phận kiểm tra lại tính pháp lý của hồ sơ giao dịch và làm thủ tục đăng bộ (chuyển tên trên sổ từ người bán sang kẻ mua). Việc kiểm tra cũng chỉ gói gọn ở hình thức, dấu hiệu nhìn thấy được như: họ tên, hình thức hợp đồng... Nếu phải gánh thêm việc thẩm định giao dịch, hai phía sẽ vất vả, nảy sinh nhũng nhiễu, phiền hà.
Rủi ro Ông Hoàng Xuân Hoan (trưởng phòng công chứng số 2, TP.HCM): Việc bộ Xây dựng nhận định thủ tục công chứng đang trùng lắp với khâu đăng bộ nên bỏ bớt khâu này để giảm phiền hà cho người dân là sự nhầm lẫn về vai trò, chức năng của các cơ quan thực hiện. Cơ quan đăng bộ chỉ kiểm tra hồ sơ đủ thành phần theo thủ tục quy định rồi tiến hành đăng ký vào giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước không thể nào tiếp xúc, kiểm tra ý chí của các bên tham gia hợp đồng. Thực tế đã chứng minh tuy cơ quan công chứng đã kiểm tra chặt chẽ như vậy nhưng vẫn phát sinh những tranh chấp đáng tiếc, gây thiệt hại cho người dân. Bà Phan Thị Bình Thuận (phó phòng công chứng số 1, TP.HCM): Hoạt động công chứng không phải là hoạt động hành chính mà là hoạt động bổ trợ tư pháp bởi những văn bản của công chứng là những văn bản có tính chứng cứ, bổ trợ cho các cơ quan chức năng, toà án khi điều tra, xét xử. Do vậy không thể xem đây là hoạt động hành chính để cắt giảm. Mặt khác, ở nước ta hiện nay, tốc độ đô thị hoá rất nhanh, số lượng giao dịch bất động sản lớn, giá trị cao nên những tranh chấp trong lĩnh vực này cũng rất nhiều. Bà Lê Thị Bình Minh (phó giám đốc sở Tư pháp TP.HCM): Sau nhiều năm nỗ lực cải cách, nhiều năm xã hội hoá chúng ta mới có được hoạt động công chứng như hôm nay. Tôi không hiểu vì cớ gì mà lại có đề xuất đưa chúng ta trở ngược lại với cái đã cải cách để rồi lại phải đối mặt với nhiều nỗi lo: cơ quan nhà nước sẽ phình to ra, việc chứng thực các giao dịch nhà đất quá tải; người dân đối mặt với rủi ro, thiếu an toàn… |
(Theo SGTT)
- 0
- By Admin
- 18/06/2011
- 17