• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bỏ cơ chế DN tự thỏa thuận giá đền bù, GPMB: Có hóa giải vướng mắc ?


Bỏ cơ chế DN tự thỏa thuận giá đền bù, GPMB: Có hóa giải vướng mắc ?


Nhưng theo Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, dự kiến với những dự án có mục đích phát triển kinh tế, các trung tâm khai thác và phát triển quỹ đất sẽ đứng ra bồi thường cho người sử dụng đất, theo phương án giá thống nhất. Giải pháp này liệu có giải quyết dứt điểm được những vướng mắc lâu nay trong công tác GPMB hay không đang là câu hỏi được dư luận quan tâm.

DN không ngại "tiền, hậu bất nhất"

Khâu GPMB ở nhiều dự án đã rơi vào vòng luẩn quẩn với giá đền bù, hỗ trợ không thống nhất. Dự án QL 18 đi qua địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội là một ví dụ.

Ông Nguyễn Hồng Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường (Sóc Sơn) cho biết, dự án QL 18 bắt đầu triển khai từ năm 1998, chia làm 2 giai đoạn. Tháng 4-2005, hầu hết người dân có ruộng nằm trong dự án đã bàn giao đất, gần như không còn vướng mắc gì. Thế nhưng đến tháng 9 và tháng 10-2007, chủ đầu tư lại hỗ trợ bù giá cho khoảng 100 hộ dân nhận tiền sau. 400 hộ nhận tiền trước không được hưởng khoản bù giá này đã khiếu kiện, yêu cầu được hưởng cùng chế độ. Dự án cho đến hôm nay vẫn đình trệ, trong khi khiếu kiện của người dân chưa được giải quyết.

Ông Ninh than thở "Cùng một nơi, cùng điều kiện giống nhau mà chính sách khác nhau, hỏi sao không sinh ra khiếu kiện?". Từ tháng 3 đến nay, các hộ dân khiếu kiện ở xã Phú Cường đã 8 lần kéo ra trụ sở UBND TP Hà Nội. Ông Lê Hữu Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn còn cho biết, vấn đề tương tự cũng xảy ra ở dự án cải tạo, nâng cấp QL 2 đi qua huyện. "Những người chây ì lại được hưởng đền bù giá cao hơn. Chính quyền chúng tôi không biết giải thích với dân thế nào" - ông Tuấn giãi bày.

Vấn đề mà Sóc Sơn đang gặp phải đang rất phổ biến. Và khả năng giải quyết nhằm kết thúc khiếu kiện, để dự án "trôi chảy" lại rất hạn chế. Chính quyền địa phương gần như chỉ có duy nhất một cách là khuyên bảo người dân, nếu không muốn nói là bế tắc trong cách giải quyết. Bởi mấu chốt vấn đề là giá đền bù "tiền, hậu bất nhất" của DN. Trong khi đó, dù là nguyên nhân chính, nhưng quyền hợp tác giải quyết hay không dường như đang hoàn toàn nằm trong tay DN. Vì sao? Câu trả lời đơn giản là luật không rõ về nghĩa vụ đó. DN vẫn không ngại "tiền, hậu bất nhất" miễn là xong việc, còn khiếu kiện thì bỏ mặc cho chính quyền giải quyết.

Đưa tòa án vào GPMB?

Không chỉ có DN có thể tạo nên tình trạng "tiền, hậu bất nhất" trong đền bù, hỗ trợ GPMB. Ông Lê Hữu Tuấn cho biết, với cơ chế điều chỉnh giá mỗi năm một lần như hiện nay, người dân thường có xu hướng "dền dứ" để chờ giá đất năm kế tiếp. "Nhà nước nên quy định rõ ngay từ đầu: "1 dự án, 1 giá" và lấy mốc tính duy nhất nào đó để tính cho toàn bộ dự án từ đầu đến khi kết thúc GPMB. 2 - 3 năm sau bàn giao, người bị thu hồi đất cũng chỉ được giá đó thôi thì GPMB mới hạn chế được khiếu kiện" - ông Huy đề xuất.

Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho rằng, không nên để DN tự thỏa thuận đền bù, hỗ trợ GPMB với dân; đồng thời cần xem xét lại toàn bộ hệ thống luật đất đai, đặc biệt là quy trình GPMB để sửa đổi cho phù hợp.

Hiện nay, vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau liên quan về việc để DN tự thỏa thuận giá đền bù, hỗ trợ GPMB. Trong khi các DN đều muốn được tự thỏa thuận thì các đại diện cơ quan Nhà nước muốn thành lập các trung tâm quỹ đất để tiến hành GPMB sau đó giao đất sạch cho các DN. Tuy nhiên do Chính phủ rút lại đề nghị sửa Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, nên việc DN tự thỏa thuận có được tiếp tục nữa hay không còn phải chờ.

Dù vậy, phải thấy rằng, vấn đề mấu chốt không phải là giao hay không giao cho DN thỏa thuận với người dân, mà mấu chốt là ở những quy định chi tiết và chính xác về quyền lợi và nghĩa vụ các bên; đồng thời có cơ chế để một bên làm "trọng tài" giải quyết khi thỏa thuận không đạt được hoặc xảy ra các bất đồng khác.

Ở nhiều nước trên thế giới, vị trí "trọng tài" được giao cho tòa án. Để khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, người dân hoặc DN hoặc Nhà nước có thể kiện ra tòa án để bảo vệ và đòi lại quyền lợi đó, thay vì như hiện nay: chính quyền gặp khó khăn trong can thiệp, DN thì chờ đợi, còn người dân thì khiếu kiện kéo dài... gây ra rất nhiều hậu quả không đáng có.

Pháp luật đất đai muốn thực sự hiệu quả, cần phải làm rõ quyền lợi chính đáng và vị thế của các bên (DN, người dân, Nhà nước) khi đứng trước pháp luật để bảo vệ quyền lợi đó. 80% số vụ khiếu kiện ở nước ta liên quan đến GPMB vì pháp luật đất đai dường như chưa làm được điều này.

Trong khi chờ sửa Luật, sẽ sửa nghị định hướng dẫn thi hành

Theo ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, trong khi chờ sửa Luật Đất đai 2003, Bộ sẽ tiến hành nghiên cứu để sửa các nghị định hướng dẫn thi hành luật này. Mục tiêu là sẽ có 1 nghị định bao hàm cả 5 nghị định hướng dẫn đã ban hành trước đây. Trong đó, riêng về thủ tục giao đất sẽ rút ngắn từ 11 quy trình xuống còn 3 quy trình. Thời gian giao đất sẽ chỉ còn 3 tháng.


Đơn giản hóa thủ tục thu hồi đất sẽ hạn chế khiếu kiện

Theo một số chủ DN, thủ tục liên quan đến thu hồi đất rườm rà, kéo dài cũng là nguyên nhân quan trọng gây khó khăn trong GPMB, dễ dẫn tới những khiếu kiện về giá đền bù, hỗ trợ. Vì có những dự án từ lúc có quyết định thu hồi đất đến khi người dân có thể nhận tiền đền bù kéo dài đến vài năm (ở thời điểm nhận tiền giá đất thị trường thường cao, trong khi người dân lại phải nhận đền bù giá cũ thường thấp dễ gây tâm lý bức xúc).


Theo Hà Nội Mới

  • 0
  • By Admin
  • 28/11/2008
  • 17