• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bờ biển bị băm nát - Thất bại trong quản lý của ngành du lịch?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tuấn nói:

- Trong quy hoạch phát triển du lịch VN, du lịch biển có vai trò quan trọng hàng đầu, trong thứ tự ưu tiên của các sản phẩm du lịch, du lịch biển cũng được xếp đầu danh sách. Du khách nước ngoài đến VN phần nhiều cũng vì VN có bờ biển đẹp, có thể tắm, nghỉ ngơi... Chính vì vậy việc hàng loạt bãi biển ở những địa phương có bờ biển dài đã bị băm nát, xẻ thịt và người dân không có cơ hội tiếp cận với những bãi biển công cộng là vấn đề nhức nhối mà cơ quan quản lý du lịch đang rất quan tâm và tìm cách giải quyết.

Như vậy công tác quy hoạch các vùng biển có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch vừa qua đã bị bỏ qua?

- Có thể phải thừa nhận như thế. Quy hoạch chi tiết của từng điểm đến, từng khu vực đang có vấn đề, đang bộc lộ yếu kém và một số địa phương đã không nhìn thấy được, không nghiên cứu một cách đầy đủ về các yếu tố tác động, dẫn đến hệ quả là tài sản chung bị sử dụng không hợp lý.

Bài học Mũi Né (Bình Thuận) là điển hình, biển ở đây rất đẹp nhưng chúng ta lại quy định cứ 2ha trở lên nếu đầu tư xây dựng resort phải xin phép Chính phủ, dưới mức này địa phương có thể cấp phép. Do đó nhiều người đã điều chỉnh dự án chỉ nằm trong khoảng này để địa phương có thể cấp phép. Từ đó dẫn đến tình trạng bờ biển rất đẹp ở đây đã bị băm nát, không còn dành không gian cho cộng đồng, khách du lịch tự do.

Điều này kéo theo một hệ lụy khác là cả một dải bờ biển dài hàng mấy chục kilômet và hàng trăm resort như vậy nhưng không có nổi một resort nào có quy mô lớn tầm cỡ quốc tế, hội đủ điều kiện tiêu chuẩn của một resort cao cấp dành cho khách cao cấp thật sự. Đây là một sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên rất lớn. Điều này không chỉ xảy ra ở Mũi Né, mà một số địa phương khác hiện đang mắc phải.

Ở góc độ quản lý ngành, Tổng cục Du lịch đã có giải pháp nào hạn chế tình trạng này ở các địa phương trong thời gian tới không, thưa ông?

- Trong chiến lược phát triển du lịch VN và trong quy hoạch phát triển tổng thể du lịch VN giai đoạn 2011-2020, chúng tôi sẽ dành một phần quan trọng cho vấn đề này. Tổng cục đang đánh giá lại thành tựu, hạn chế và bất cập trong chiến lược phát triển của 10 năm qua và quy hoạch của 10 năm tới. Đặc biệt sẽ xem lại việc đầu tư ở các khu bờ biển. Quy hoạch trong thời gian tới phải có kế hoạch, chiến lược và ứng xử phù hợp để tạo ra những sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện đại, có đẳng cấp, xứng tầm và không gây lãng phí tài nguyên biển như trong thời gian qua. Quan điểm của chúng tôi là phải nhìn thẳng vào những yếu kém này để khắc phục, tổng cục sẽ trực tiếp tư vấn, khuyến cáo các địa phương khi triển khai những quy hoạch cụ thể cho du lịch biển.

Ông Thân Thanh Vũ (tổng thư ký Hội Bất động sản du lịch): Nên để hiệp hội tham gia phản biện

Sự phát triển của các khu du lịch nghỉ dưỡng ở VN tại một số địa phương như Bình Thuận, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đã giúp thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội ở đó. Có thể nói mặt tích cực của sự phát triển này rất rõ. Nhưng đúng là như dư luận nêu, vấn đề quan trọng nhất là công tác quy hoạch để làm sao hài hòa lợi ích nhà đầu tư và cộng đồng.

Hầu hết các địa phương đều chưa có quy hoạch tổng thể khiến việc phát triển dự án bất động sản du lịch gặp khó khăn và gây ra những mâu thuẫn không đáng có với cộng đồng địa phương. Tôi nghĩ quy hoạch không chỉ nhìn ở góc độ phát triển du lịch mà còn phải nhìn trên nhiều khía cạnh như môi trường, môi sinh, cộng đồng xã hội... Bất kỳ phát triển khu du lịch nào cũng cần tính đến những tiện ích chung cho cộng đồng. Việc đó phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch tổng thể.

Phát triển bất kỳ lĩnh vực nào, yếu tố hiệu quả kinh tế, tài chính đều quan trọng nhất. Có lợi nhà đầu tư mới làm. Vì thế, quản lý nhà nước phải hài hòa các lợi ích và chấp nhận hi sinh một phần nào đó để cân bằng sự phát triển cho địa phương mình. Khi lập quy hoạch cần mang tầm vóc cả một vùng và các địa phương nên tạo điều kiện để Hội Bất động sản du lịch tham gia phản biện. Chúng tôi có chuyên gia để đóng góp những ý kiến chuyên sâu từng lĩnh vực, kể cả mời chuyên gia nước ngoài tham gia bởi họ đã từng có kinh nghiệm thực tiễn ở những nước khác.

(Theo Tuổi trẻ)

  • 0
  • By Admin
  • 01/10/2010
  • 17