Bộ Xây dựng xin “khất” báo cáo Thủ tướng về FDI vào BĐS
Theo kế hoạch, đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả, quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011- 2020 sẽ phải hoàn thành và gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2012. |
Theo kế hoạch, đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả, quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 - 2020 sẽ phải hoàn thành và gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2012.
Tuy nhiên, tại công văn số 29/BXD-QLN vừa được ban hành, Bộ Xây dựng đã đề xuất gửi đề án hoàn chỉnh vào tháng 8/2012, do một số bộ, ngành và địa phương chưa gửi báo cáo về Bộ. Như các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và 18 địa phương.
Điều đáng nói, trong số các địa phương chưa gửi báo cáo danh mục địa phương có vốn đầu tư nước ngoài, có cả Hà Nội và Tp.HCM.
Trước đó, ngày 18/1/2012, Bộ Xây dựng đã có công văn số 95/BXD-QLN gửi 350 doanh nghiệp yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có 54/350 doanh nghiệp thực hiện.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2012 có xu hướng giảm so với những năm về trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2010, trên 34% tổng vốn FDI vào Việt Nam là vào bất động sản thì năm 2011 giảm còn 5,8%. Hai tháng đầu năm 2012, chỉ có một dự án bất động sản đăng ký với số vốn 100 nghìn USD, đứng cuối cùng trong các ngành thu hút FDI…
Cũng liên quan tới thu hút FDI vào bất động sản, UBND Hải Phòng vừa ra chỉ thị yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng rà soát quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và công bố định hướng khuyến khích kinh tế FDI phát triển theo quy hoạch, hoàn thành trong quý 2/2012.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI. Đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dư án FDI có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh bất động sản, sử dụng nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…, rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai.
(Theo VnEconomy)
- 0
- By Admin
- 16/05/2012
- 17