Bộ Xây dựng giải trình tới Quốc hội kế hoạch cứu BĐS
Giá nhà đã giảm 50% so với năm 2009
Sáng nay (24/1), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình với chủ đề “Thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội”.
Báo cáo trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn, giá sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch không nhiều, một số dự án không có giao dịch. Đặc biệt, tại Tp.HCM và Hà Nội - nơi tập trung nhiều dự án BĐS lớn, chiếm khoảng gần 50% thị trường BĐS cả nước - cũng chính là “điểm nóng” chịu nhiều khó khăn nhất.
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương, hiện tồn kho khoảng 42.230 nhà ở; văn phòng cho thuê tồn kho 92.800 m2 sàn, trung tâm thương mại 98.407 m2 sàn, đất nền nhà ở xấp xỉ 792,2 ha, đất thương mại khác hơn 195,1 ha. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, bằng giải pháp đã và đang thực hiện khiến giá nhà giảm nhiều so với thời điểm sốt giá năm 2008 - 2010. Có dự án giá giảm tới 50%, về giá tương đương thời điểm 2006.
Ông Dũng cho rằng, đây là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Gần đây, thị trường bất động sản (phân khúc nhà ở bình dân) ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu ấm dần lên.
Cần chính sách đột phá
Hàng loạt chính sách có tính đột phá được Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội và Chính phủ thông qua để thực hiện trong năm 2013. Điển hình như: gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở; Doanh nghiệp được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng; giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội xuống còn 5% để người mua nhà được hưởng lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán; Giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại đối với những căn hộ dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 trong thời hạn 12 tháng, kể từ 1/7/2013...
Bộ Xây dựng chủ trương dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương. Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương cũng yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh, không để đất trống, và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được, do diện tích căn hộ quá lớn, thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Các dự án nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, cho phép cơ cấu lại, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động; Nhà nước cũng cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở tồn kho không bán được sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại.
Hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, cơ quan chức năng đang hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu của các ngân hàng, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường bất động sản, ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng bất động sản.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, niềm tin của người dân đối với thị trường trong thời điểm này rất quan trọng. Bởi vậy, Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ, ngành cùng và các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.
Các cơ quan thông tin đại chúng cũng nên đưa tin một cách khách quan, phản ánh đúng tình hình để tạo sự đồng thuận và ổn định tâm lý của các tổ chức kinh tế, người dân... Các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
Đối tượng được vay vốn cũng áp dụng với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã hứa dành 20.000 – 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm, tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của nhà nước để phục vụ cho vay trong trường hợp này.
Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà ở cũng được gia hạn nộp thuế doanh nghiệp sáu tháng (tương đương khoản vay không phải trả lãi). Thuế VAT phải nộp trong ba tháng đầu năm cũng được gia hạn sáu tháng.
Bên cạnh đó, các địa phương có tồn kho BĐS lớn phải hạn chế tối đa đầu tư từ ngân sách để xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội mà dùng vốn đầu tư đã có trong kế hoạch và đề nghị Chính phủ xem xét ứng vốn trước để mua lại các DA nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ, nhà ở cho sinh viên.
Cùng đó, các định chế tài chính mới để phát triển các công cụ tài chính cho thị trường BĐS như: Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư BĐS, Cơ quan tái thế chấp nhà ở... nhằm tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường BĐS cũng sẽ sớm được hoàn thành.
Dư nợ tín dụng BĐS hơn 200 tỷ đồng
|
- 166
- By Admin
- 24/01/2013
- 17