Bộ Xây dựng: Siết chặt quản lý các dự án BĐS
Kể từ khi Nghị định 71/NĐ-CP và thông tư 16 chính thức được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ cho thị trường bất động sản đặc biệt là vấn đề huy động vốn đã được quy định rõ ràng, chi tiết về thời điểm, cách thức huy động. Tuy nhiên, xuất phát từ việc ngân hàng siết chặt cho vay, việc huy động tiền từ khách hàng cũng hạn chế khiến nhiều chủ đầu tư vẫn “nhắm mắt” huy động vốn trái quy định của pháp luật.
Theo quy định tại nghị định 71/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành tháng 8/2010, đối với đất nền chủ đầu tư chỉ được quyền huy động vốn sau khi đã giải phóng xong mặt bằng và làm hạ tầng; đồng thời số lượng vốn huy động không vượt quá 20% tổng số lượng nhà ở của dự án và phải gửi danh sách tới Sở Xây dựng để báo cáo…
Tuy nhiên, trên thị trường đã có rất nhiều lô đất thuộc các dự án đang tiến hành giải phóng mặt bằng, thậm chí chưa giải phóng mặt bằng, được chào bán từ vài năm trở lại đây. Chỉ cần vào các trang web bất động sản hoặc tra cứu trên google, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm mua hàng loạt dự án này.
Đơn cử dự án AIC (chủ đầu tư là công ty cổ phần AIC) có tổng diện tích 94,3 ha đất nằm trên địa bàn 3 xã Tráng Việt, Tiền Phong, Mê Linh trong đó chủ đầu tư mới chỉ giải phóng được hơn 20 ha, còn lại 70 ha nằm chủ yếu xã Mê Linh vẫn đang là đất trồng hoa của các hộ nông dân. Thực tế, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã bỏ hàng chục tỷ đồng mua dự án này từ khá lâu, sau đó phân phối lẻ ra thị trường với tiền chênh ngoài hàng tỷ đồng/lô đất.
Không chỉ bán dự án khi chưa có đất, nhiều dự án đã thực hiện xong việc đền bù nhưng không triển khai làm hạ tầng kỹ thuật mà vẫn huy động vốn. Điển hình, dự án khu nhà ở cao cấp Ba Đình tọa lạc tại xã Tiền Phong, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Ba Đình. Dự án được chia hai giai đoạn trong đó giai đoạn 1 rộng 8,2 ha đã đền bù giải phóng xong nhưng do chậm triển khai hạ tầng phần lớn diện tích đã bị người dân lấn chiếm để trồng hoa màu….
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, việc huy động vốn trái pháp luật đang diễn ra phổ biến trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Nhiều dự án đã cố tình lách luật để huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn kinh doanh….Thậm chí, có hiện tượng lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không không khả thi dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Theo Bộ trưởng, tới đây Bộ sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản tại các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về trình tự thủ tục đầu tư; về huy động vốn và mua bán chuyển nhượng của các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở và đô thị mới để quản lý tốt thị trường. Đồng thời, kiểm tra các sàn giao dịch để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm về giao dịch mua bán. Kiên quyết xử lý các sàn giao dịch bất động sản cố tình vi phạm pháp luật.
(Theo VnMedia)
- 136
- By Admin
- 14/06/2011
- 17