Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020
Cụ thể, tới năm 2020, Bình Dương sẽ là thành phố thứ sáu trực thuộc Trung ương, sau Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng duyệt, Bình Dương sẽ phát triển theo hướng đẩy mạnh các mảng dịch vụ, đô thị và công nghiệp. Giai đoạn 2016-2020 dịch vụ chiếm 47,59% cơ cấu kinh tế, công nghiệp là 50,44% và nông lâm nghiệp chỉ còn 1,97%.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, các yếu tố chính để tỉnh này phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương là đầu tư mạnh cho hạ tầng và thu hút, điều chỉnh cơ cấu dân số.
Đến năm 2020, Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương |
Từ nay tới năm 2020, Bình Dương sẽ đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng để kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam như: các phần của đường Vành đai 3, 4 Tp.HCM; tuyến Metro nối từ TP.Bình Dương với metro Bến Thành - Suối Tiên, đầu tư hàng loạt dự án nhà ở cho công nhân...
Phóng viên đã đặt câu hỏi: Vấn đề về việc xây dựng Bình Dương thành thành phố trực thuộc Trung ương cần rất nhiều nguồn lực, từ nay tới năm 2020 chỉ còn vài năm trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn liệu mục tiêu này có thành hiện thực?
Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã có lộ trình và tự tin kế hoạch này sẽ thành công.
Ông Dũng nhận định, cơ cấu vốn đầu tư từ Nhà nước cho các dự án hạ tầng tại Bình Dương thời gian tới sẽ giảm xuống chỉ chiếm khoảng 8,5% tổng vốn đầu tư, phần còn lại tỉnh sẽ huy động vốn đầu tư từ xã hội.
Mỗi năm Bình Dương huy động hơn 1 tỷ USD vốn FDI, tổng vốn FDI lũy kế tại Bình Dương hiện là 20 tỷ USD với tỷ lệ giải ngân cao; tốc độ đô thị hóa của tỉnh cũng rất nhanh, hạ tầng phát triển mạnh, đồng bộ theo quy hoạch... là những yếu tố để tỉnh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong vài năm tới, ông Dũng cho biết thêm.
- 202
- By Admin
- 13/09/2014
- 17