Bình Dương: Một dự án thiếu minh bạch từ khâu phê duyệt đến đền bù, giải tỏa
Hậu quả là 10 năm nay, khu đất dự án vẫn bỏ hoang và hàng chục hộ dân có đất nằm trong dự án này phải chạy ngược, chạy xuôi để tìm sự minh bạch trong việc áp giá đền bù, giải tỏa.Ðất dự án 10 năm cỏ mọc
Trước khi UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định quy hoạch chi tiết Khu dân cư Vĩnh Phú, thì năm 1999, Công ty Vũ Kiều đã tiến hành đo, kiểm kê tài sản, ký hợp đồng đổi đất với các hộ dân. Nhiều hợp đồng đã được ký theo tỷ lệ, đổi 12 m2 đất nông nghiệp lấy 1 m2 đất nền. Công ty cam kết năm 2002 giao đất. Hộ nào lấy tiền thì trả 55 - 90 nghìn đồng/m2.Ba năm sau, năm 2002, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 629, phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu dân cư Vĩnh Phú, diện tích 49,14 ha, đồng thời chấp thuận việc hợp tác xây dựng giữa Công ty Xây dựng-đầu tư-kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh (Công ty Tân Vũ Minh) và Xí nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh địa ốc 559 (nay là Công ty 799). Tháng 8/2002, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 4982/QÐ-UBND về việc quy định đơn giá bồi thường trợ cấp thiệt hại đối với khu dân cư này.
Không rõ vì lý do gì, năm 2005, Xí nghiệp 559 rút hợp tác đầu tư, vì vậy tháng 12/2005, trong quyết định phê duyệt xây dựng chi tiết Khu dân cư nhà vườn Tân Vũ Minh chỉ còn 26,3 ha, gồm 202 căn biệt thự, 578 căn nhà phố liên kế, hai khu chung cư. Tháng 3/2006, tỉnh Bình Dương mới ban hành Quyết định số 1559/QÐ-UBND về việc thu hồi đất của các hộ dân tại xã Vĩnh Phú, giao và cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Vũ Minh.
Có mặt tại dự án này, chúng tôi chứng kiến hàng chục ha đất nông nghiệp trước kia nay ngập trong cỏ dại. Ðoạn đường khoảng 400 m, nối khu dân cư với quốc lộ 13 đầy đá hộc và ổ gà. Cây cầu duy nhất bắc qua rạch Vĩnh Bình vào khu dân cư đi vẹo qua phải vì chưa giải tỏa được đất làm đường. Toàn bộ hạ tầng khu dân cư còn dở dang, thấp thoáng vài căn hộ lẫn trong mầu xanh của cỏ.
Ông Mai Tâm Bằng, có nhà "án ngữ" ngay đầu cầu cho biết, dự án này thuộc dạng năm không: không công bố quy hoạch, không thương lượng, không hỗ trợ, không tái định cư và ngay cả đổi đất thổ cư lấy đất nền cũng không. Ông Tâm càng bức xúc khi biết kết quả giám định của Phòng khoa học hình sự Công an tỉnh Bình Dương, là Công ty Tân Vũ Minh làm giả hồ sơ, dấu vân tay, chữ ký và phiếu chi tiền mang tên bà Trần Thị Thông (dù bà Thông đã mất) để thu hồi 4.464 m2 đất của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Ngọc nói, năm 1999, xã Vĩnh Phú có mời dân họp, theo đó Công ty Vũ Kiều ký hợp đồng với các hộ đổi đất nông nghiệp lấy đất đô thị, năm 2002 sẽ giao nền. Tuy nhiên, đến nay Công ty Vũ Kiều không những không giao đất, không giao tiền, mà còn sang dự án cho Công ty Tân Vũ Minh. Cho rằng Công ty Vũ Kiều đã vi phạm hợp đồng, bà Ngọc đã khởi kiện công ty này ra tòa, yêu cầu hủy hợp đồng đổi đất, trả đất để bà tiếp tục canh tác. Nhưng 10 năm nay vẫn chưa cơ quan nào giải quyết.
Ðiều bất bình thường là, dù UBND huyện Thuận An (nay là thị xã) chưa ban hành các quyết định thu hồi đất của hộ bà Trần Thị Thông, bà Mai Thị Bích Vân và ông Văn Hậu, nhưng Công ty Tân Vũ Minh vẫn nhiệt tình làm sẵn hợp đồng, cam kết và áp giá 100 nghìn đồng/m2 đất với các hộ này. Công ty này còn thuê hút cát san lấp ruộng vườn của nhiều hộ dân vào ban đêm. Hậu quả là, hàng chục nghìn m2 đất bị san lấp loang lổ, các thửa ruộng, vườn không thể canh tác, ao không thể nuôi cá, vì bị ô nhiễm.
Nhiều hộ như bà Nguyễn Thị Sanh, đất, vườn bị ngập hàng mét nước phải chuyển đi nơi khác, chết cả vườn chanh. Hộ ông Nguyễn Văn Vàng ngoài mất đất canh tác, chưa nhận tiền đền bù, còn bị cát san lấp bốn ngôi mộ gia tộc. Bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết thêm, khi Công ty Tân Vũ Minh tự tiện san lấp khu mồ mả gia tộc, bà con đã báo chính quyền, nhờ ngăn chặn, nhưng chính quyền tảng lờ, coi như việc đã rồi.
Khi được hỏi về đền bù, giải phóng mặt bằng và san lấp cát làm mất nhiều ngôi mộ của dân, bà Nguyễn Thị Tuyết Như, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Tân Vũ Minh, từ chối nói chuyện. Bà Như chỉ cho biết, công ty đã bán được 50% đất nền, đối với khách hàng phải đóng 90% tiền mới được giao nền. Trường hợp khách hàng muốn nhận hoán đổi vị trí nền thì thỏa thuận đóng tiền thêm.
Tù mù từ đầu tư đến đền bù, giải tỏa
Theo quy định của Luật Ðất đai, khi thu hồi đất sử dụng vào mục đích kinh doanh bất động sản, không nhằm mục đích phục vụ lợi ích toàn dân, lợi ích công cộng, quốc phòng an ninh, thì chủ đầu tư phải thoả thuận với người dân về phương án và đơn giá đền bù hỗ trợ tái định cư cho người dân bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.Quy định rõ thế, nhưng việc áp dụng lại rất tù mù, viện dẫn theo chiều bất lợi cho người có đất, đó là chưa kể "lời nói gió bay" của nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Bảnh có 3.461 m2 đất trong dự án Tân Vũ Minh kể, năm 2002, gia đình được UBND xã Vĩnh Phú mời lên thông báo về thu hồi đất nông nghiệp làm dự án nhà vườn, nhưng không thông báo giá bồi thường, chính sách tái định cư, chỉ nói bà con sẽ "đổi đời từ khổ đến sướng". Thế nhưng suốt 10 năm qua, chạy ngược chạy xuôi kiến nghị, ruộng vườn bỏ cỏ không canh tác được, đời sống ngày càng khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Vàng, ngụ tại 1/5 ấp Ðông, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, khẳng định việc giao 8.043 m2 đất theo quyết định của tỉnh, gia đình ông chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, trong lúc gia đình và Công ty Tân Vũ Minh chưa thoả thuận xong về phương án, giá và diện tích đất đền bù, thì tháng 2/2007, UBND huyện Thuận An đã ban hành Quyết định thu hồi đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông.
Ðiều ông Nguyễn Văn Vàng bức xúc hơn là, năm 2007, UBND huyện Thuận An ban hành Quyết định cưỡng chế số 4321/QÐ-UBND buộc ông Nguyễn Văn Nưa (là bố ông Vàng) giải tỏa công trình vật dụng kiến trúc trên đất, giao đất sạch cho Công ty Tân Vũ Minh. Thực ra, ông Nưa đã mất từ năm 2004. Sau đó, UBND huyện thừa nhận sai sót, và tháng 1/2008 có Quyết định 372 thu hồi Quyết định 4321.
Về giá đền bù, ngay từ tháng 8/2002, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 4928/QÐ-UBND về giá đền bù đất nông nghiệp là 240 nghìn đồng/m2. Tuy nhiên phải bảy năm sau, tháng 8/2009, UBND xã Vĩnh Phú mới công bố về giá đền bù. Không biết chính quyền địa phương, chủ đầu tư giải thích thế nào, khi bảy năm sau mới công khai giá đền bù và tiền hỗ trợ đến các hộ dân?
Lẽ ra, việc thỏa thuận bồi thường phải do Công ty Tân Vũ Minh và các hộ dân thỏa thuận, thì UBND huyện lại can thiệp bằng các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế giải tỏa... chưa thấu tình đạt lý. Chẳng hạn, lúc đầu Công ty Tân Vũ Minh chỉ đưa ra giá 90-100 nghìn đồng/m2 đất, khi các hộ dân phản ứng, công ty nâng giá cao dần, sau đó đưa ra giá 650 nghìn đồng/m2. Hiện tại, 13/85 hộ dân tại dự án này vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng về giá đền bù đất và thiệt hại hoa màu.
Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, trong Thông báo số 156/TB-UBND ngày 15/6/2010, UBND tỉnh Bình Dương đã thừa nhận UBND huyện Thuận An ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi đất và công văn trả lời đơn khiếu nại đối với ông Nguyễn Văn Bảnh là chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
Mới đây, tại Bản án số 01/2011, ngày 25/2/2011, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã hủy Quyết định số 4322/QÐ-UBND của UBND huyện Thuận An, có nghĩa ông Nguyễn Văn Bảnh không phải giải tỏa công trình, vật kiến trúc trên đất để giao mặt bằng cho Công ty Tân Vũ Minh. Cũng tại Bản án này, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương phát hiện các Quyết định 5280/QÐ-UBND (do UBND tỉnh Bình Dương ban hành) và Quyết định số 351 và 355/QÐ-UBND do UBND huyện Thuận An ban hành, tuy đúng về nội dung, nhưng sai về mặt thẩm quyền.
Rõ ràng, việc thiếu minh bạch từ việc phê duyệt quy hoạch, đến ban hành các văn bản chưa phù hợp với pháp luật hiện hành. Ðặc biệt là chậm công khai giá đền bù, doanh nghiệp làm dự án thiếu thiện chí để các hộ dân khiếu kiện kéo dài, vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây bức xúc dư luận.
Tỉnh Bình Dương đã khắc phục sai sót nói trên bằng việc ban hành Quyết định số 3023/QÐ-UBND thay cho Quyết định 5280/QÐ-UBND và UBND huyện Thuận An cũng ban hành Quyết định số 7133 và 7134/QÐ-UBND để thay thế Quyết định số 351 và 355/QÐ-UBND... về cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Văn Vàng...
Ðối với thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, đây là dự án không lớn, nhưng do cách xử lý và ban hành văn bản của địa phương chưa phù hợp với pháp luật, để khiếu kiện kéo dài, làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền và lãng phí tài nguyên đất. Ðề nghị, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và chủ đầu tư sớm phối hợp giải quyết dứt điểm, để các hộ dân ổn định cuộc sống. Kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân cố tình làm trái luật và những chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, là khi làm dự án thì người dân phải có chỗ ở bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
(Theo Nhandan)
- 0
- By Admin
- 15/12/2011
- 17