Bình Dương: Hậu quả khi quy hoạch chồng quy hoạch
Cụm công nghiệp (CCN) Tân Bình thuộc phường Tân Bình, TX.Dĩ An được phê duyệt quy hoạch từ năm 2001, nhưng cho đến nay cũng chỉ nghe loáng thoáng trên giấy tờ vì trên thực tế nó không tồn tại! Vì sao một CCN đã được quy hoạch tại một vùng có môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư lại không thể triển khai? Còn doanh nghiệp (DN) được phê duyệt, giao thực hiện dự án thì lại rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan?Tiến thoái lưỡng nan!
Ngày 6-7-2001, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 2351 QĐ/UB-KTH về việc giao cho Công ty Trung Thành, nay là Công ty Cổ phần Trung Thành làm chủ đầu tư dự án CCN và Khu dân cư (KDC) Tân Bình trên địa bàn xã Tân Bình (nay là phường Tân Bình), TX.Dĩ An. Theo đó, CCN và KDC Tân Bình có tổng diện tích 55 ha, trong đó 50 ha làm đất công nghiệp và 0,5 ha dùng để tái định cư.Tuy nhiên, ngay sau đó UBND tỉnh lại có các Quyết định 3955 QĐ/UB-KTTH ngày 19-10-2001, giao cho Công ty TNHH Liên Anh được đầu tư sản xuất với diện tích 12 ha và Quyết định số 4449 QĐ/UB-KTTH ngày 19-11-2001 về việc giao cho Công ty TNHH Đại Quang được xây dựng mở rộng phân xưởng tại xã Tân Bình (nay là phường Tân Bình), TX.Dĩ An với diện tích 2,8 ha.
Điều đáng nói là diện tích đất được giao tại 2 quyết định nói trên lại trùng với 55 ha diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch CCN và KDC Tân Bình, làm cho quy hoạch sau chồng lên quy hoạch trước. Theo ông Đặng Văn Lắm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Thành cho biết, khi nhận thấy có sự chồng chéo này, Công ty Trung Thành lúc đó đã trình báo với UBND huyện, tỉnh để xử lý.
Tại các buổi làm việc, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh đã đề xuất các phương án chia quy hoạch nhưng cả 3 bên gồm Công ty Trung Thành, Công ty Liên Anh và Công ty Đại Quang đều không chấp nhận. Sau đó, UBND tỉnh đi đến kết luận để giải quyết dứt điểm vụ việc này, Công ty Trung Thành vẫn là chủ đầu tư dự án CCN và KDC Tân Bình, đồng thời Công ty Liên Anh và Công ty Đại Quang là nhà đầu tư của Công ty Trung Thành.
Hai công ty này cũng phải thực hiện đấu nối cơ sở hạ tầng với quy hoạch chi tiết của CCN Tân Bình do Công ty Trung Thành làm chủ đầu tư; đồng thời phải thỏa thuận ranh giới, vị trí lô đất và nộp tiền cơ sở hạ tầng cho Công ty Trung Thành. “Tuy nhiên, 2 công ty Liên Anh và Đại Quang kéo dài và chưa nộp đầy đủ tiền đóng góp cơ sở hạ tầng, đồng thời tự ý bồi thường giải tỏa thêm diện tích trong quy hoạch của chủ đầu tư làm cho tình hình quản lý, thực hiện quy hoạch CCN và KDC Tân Bình vấp phải những khó khăn phức tạp...”, báo cáo của Công ty Cổ phần Trung Thành giải trình với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm tại buổi họp giải quyết vụ việc mới đây nêu rõ.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Thành Đặng Văn Lắm, việc 2 Công ty Liên Anh và Đại Quang được đầu tư trong quy hoạch là xuất phát từ việc quy hoạch chồng chéo và sự phân xử của UBND tỉnh chứ Công ty Trung Thành không chủ trương thu hút đầu tư từ 2 đơn vị này. Hậu quả của việc chồng chéo quy hoạch đã gây thiệt hại và cản trở quá trình thực hiện dự án của Công ty Trung Thành, khiến Công ty Trung Thành rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan!
Và, sự đã rồi!
Trong buổi làm việc với UBND TX.Dĩ An và Công ty Cổ phần Trung Thành, chủ đầu tư hiện tại của dự án CCN và KDC Tân Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cũng lật lại vấn đề vì sao lại dẫn đến tình trạng quy hoạch chồng lên quy hoạch như vậy.Theo diễn biến của sự việc thì quy hoạch CCN và KDC Tân Bình của Công ty Trung Thành được UBND tỉnh phê duyệt sớm nhất thông qua Quyết định 2351QĐ/UB-KTH ngày 6-7-2001, còn quyết định cho Công ty Liên Anh là số 3955 QĐ/UB-KTTH ngày 19-10-2001 và quyết định giao cho Công ty Đại Quang là số 4449 QĐ/UB-KTTH ngày 19-11-2001.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cũng đặt vấn đề, tại sao khi UBND tỉnh phê duyệt các chủ trương nêu trên thì vai trò tham mưu của UBND TX.Dĩ An, nơi dự án được triển khai và các sở, ban, ngành chức năng ở đâu? Tất cả những thắc mắc đó của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm đều chưa được giải đáp thỏa đáng.
Ngoài ra, khi phê duyệt quy hoạch CCN và KDC Tân Bình, quy chế về quản lý khu CCN của Chính phủ chưa ra đời, nên khi triển khai quy hoạch này UBND tỉnh cũng như chủ đầu tư là Công ty Trung Thành gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, thực hiện dự án.
Thêm vào đó, việc 2 Công ty Liên Anh và Đại Quang thực hiện việc sang nhượng quyền sử dụng đất (phần lớn diện tích đất của Công ty Liên Anh được sang nhượng bởi Công ty TNHH Hồng Hải) là hoàn toàn hợp pháp. Chính vì thế, khi Công ty Trung Thành được phê duyệt quy hoạch nhưng khi bắt tay vào thực hiện dự án thì mọi việc trở nên rối rắm vì tất cả đã rơi vào tình trạng... đã rồi!
(Theo Báo Bình Dương)
- 0
- By Admin
- 31/05/2012
- 17