• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bình Chánh: Giảm đất công nghiệp để cải thiện môi trường

Quyết giữ 9.400 ha đất nông nghiệp

Theo kế hoạch thì huyện này sẽ dành hơn 9.400 ha cho sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 và kiên quyết giữ phần này. Tuy nhiên, ông Đoàn Nhật - Trưởng phòng Công thương huyện Bình Chánh lo lắng vì số lượng đất nông nghiệp có nguy cơ hao hụt do người dân xây cất nhà tràn lan. Hiện tại, Bình Chánh không còn thửa đất rộng một, hai ha mà bị phân lô, chia nhỏ để bán rất nhiều. Mỗi năm huyện phải giải quyết gần 20.000 hồ sơ xin tách thửa. Nhiều thửa đất ruộng được phân lô thành hai ba trăm mét vuông thửa. Cán bộ biết là việc tách thửa này chỉ để xây nhà nhưng không có cơ sở pháp lý để từ chối vì chưa có quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa.

Bà Lê Hồng Hoanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM lưu ý khuyến cáo: Huyện không nên tiếp tục phát triển thêm khu công nghiệp và phải tính đến chuyện cải thiện môi trường để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Ông Trần Trọng Tuấn - Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết huyện đã có chủ trương điều chỉnh một số địa điểm đất công nghiệp như không mở rộng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, bỏ quy hoạch khu công nghiệp ở xã Phong Phú, chuyển về quy hoạch đất công nghiệp cho khu vực Đa Phước...

Huyện làm quy hoạch có hợp lý?

Theo kế hoạch thì khoảng tháng 3-2009, Bình Chánh sẽ hoàn thành khoảng 25/31 đồ án quy hoạch (QH). Hiện tại, hồ sơ hạ tầng kỹ thuật của khu vực vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa có QH chung về cốt san nền, hệ thống thoát nước... nên rất khó khăn trong việc kết nối hạ tầng chung của các đồ án QH chi tiết. Bên cạnh đó, việc (QH) của huyện này bị vướng nhiều công trình trọng điểm như đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương (bảy đồ án), đường cao tốc liên vùng phía nam (hai đồ án), đường xe lửa, đại lộ Đông Tây nối dài... Việc xin ý kiến các sở ngành, cơ quan chuyên môn khi lập QH quá lâu làm cho tiến độ bị chậm rất nhiều.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng ban KT-NS đặt vấn đề: “Phân cấp cho UBND các quận, huyện lập và phê duyệt (QH) chi tiết xây dựng có hợp lý hay không?”. Theo ông Hoàng, thực tế thì Viện Quy hoạch xây dựng vẫn phải lập đồ án là tư vấn, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải thẩm định và các ban ngành đoàn thể khác phải có ý kiến về kênh rạch, giao thông, cấp thoát nước. Phải chăng giao QH chi tiết về cho các quận, huyện chỉ là cái vỏ, còn ruột thì y chang như cũ? UBND quận, huyện có được thuê tư vấn nước ngoài để lập QH không? “Nếu việc ủy quyền cho UBND quận, huyện là hợp lý thì tại sao công tác lập QH không nhanh hơn?!” - ông Hoàng băn khoăn.

Ông Trần Trọng Tuấn - Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng việc ủy quyền làm QH cho các quận, huyện chỉ có hiệu quả khi địa bàn đã có đầy đủ những cơ sở hạ tầng như cốt nền, cấp thoát nước, giao thông chung... Trên cơ sở đó, các quận, huyện chỉ dựa trên mặt bằng chung mà cụ thể hóa cho địa phương mình. “Giao cho quận, huyện một địa bàn chưa có gì như Bình Chánh thì... khó quá!” - ông Tuấn than.

Thiếu bệnh viện và trường học

Hiện tại, Bình Chánh chỉ có một bệnh viện 100 giường bệnh và đã cũ kỹ. Quy hoạch bệnh viện mới tại khu trung tâm hành chính huyện với quy mô khoảng 400 giường bệnh chưa được phê duyệt. Ông Trần Trọng Tuấn tha thiết yêu cầu các ngành ủng hộ cho huyện trong việc đặt bệnh viện trong khu hành chính Trong tương lai, tại Bình Chánh cũng có nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và bệnh viện khách sạn nên khó có khả năng chỉ cải tạo và mở rộng bệnh viện cũ.

Theo Pháp Luật TP

  • 226
  • By Admin
  • 07/08/2008
  • 17