Biệt thự triệu đô để dân..."khát" nước?
Hiện đường ống cấp nước cho khu vực chung cư và khu biệt thực Saigon Pearl, với cả nghìn hộ dân là đường ống cấp nước 250 mm. Nhưng không hiểu vì lý do gì, nước không thể chảy đến từng căn biệt thự cũng như mỗi căn hộ tại 3 khối chung cư. Tại nhiều thời điểm, người dân phải thức đêm hứng từng giọt nước.Biệt thự Saigon Pearl. |
Trước nỗi khổ của người dân, một giải pháp tạm thời được đơn vị cấp nước là Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) và Công ty CP cấp nước Gia Định sử dụng là dùng… sà lan chở nước đến bơm vào các bể chứa tập trung có thể tích khoảng 325 m3. Từ đó, nước được bơm vào ống tiếp nước, cung cấp đến từng căn hộ. Và trong khi giá nước của thành phố quy định khoảng hơn 4.000 đồng thì ở đây cư dân phải trả hơn 10.500 đồng một m3.
Tuy nhiên, chủ căn biệt thự số A2-10 khu biệt thự Saigon Pearl cho hay, tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên. Hôm nào sà lan hư hay “tắc đường”, xem như hôm đó không có nước sinh hoạt. Đó là chưa kể việc cấp nước bằng sà lan do ai cung cấp cũng không thể tin tưởng về chất lượng bằng nước đường ống. Còn chị Thanh, chủ căn biệt thự có giá khoảng 1,3 triệu USD, tức khoảng 28 tỷ đồng cho hay, từ khi dọn về sống tại khu biệt thự cao cấp của dự án, gia đình luôn phập phồng chuyện nước sinh hoạt. “Chúng tôi ở sát khu trung tâm thành phố, trong các căn biệt thự cả mấy chục triệu đồng mà phải chịu cảnh thiếu nước sạch như vùng sâu, vùng xa”, chị Thanh bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Tường Giang, Phó tổng giám đốc công ty CP Tập đoàn SSG (Công ty SSG), chủ đầu tư dự án Saigon Pearl cho hay, chủ đầu tư cũng “kêu gào” mấy năm nay, nhưng đường ống cấp nước mới vẫn chưa thấy đâu. “Việc cấp nước cho một dự án cao cấp ngay giữa trung tâm thành phố bằng sà lan là vô lý”, bà Giang kể khổ.
Đơn vị cấp nước là Công ty Sawaco lý giải, sở dĩ đường ống dẫn nước không phát huy được tác dụng bởi áp lực nước máy trong khu vực quá yếu, áp lực nước tại những điểm nêu trên hầu như bằng 0, nên không thể bơm được vào từng căn hộ, biệt thự. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa cao trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng như hiện nay. Để có nước, Công ty CP cấp nước Gia Định đã đề xuất Sawaco thuê một đơn vị vận chuyển lấy nước từ Công ty CP cấp nước Nhà Bè và công ty CP cấp nước Thủ Đức đến cấp cho dân.
Trong khi theo Công ty SSG, khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đã có công văn hỏi về tình hình cung cấp nước trong khu vực, khi đó công ty CP Cấp nước Gia Định khẳng định có đủ nước, vì đường ống cấp nước 250 mm hiện hữu có công suất tới 2.700 m3 nước mỗi ngày. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành thì cũng xuất hiện cảnh… “khô hạn”, ngay cả khi đó nhu cầu nước của chỉ mới 450 m3 một ngày cũng không có.
Được biết, từ tháng 8/2009 đến nay, số tiền mỗi năm Sawaco và SSG bỏ ra để thuê đơn vị vận chuyển nước bằng sà lan đến cung cấp cho cư dân khu phức hợp Saigon Pearl và một số khu chung cư ở phường 22, quận Bình Thạnh khoảng 9 tỷ đồng. Trong khi theo tính toán, chi phí để xây dựng 540 m đường ống cấp 2 từ cầu Sài Gòn đến khu vực này chỉ khoảng 3,8 tỉ đồng và thời gian thi công chỉ mất 42 ngày. |
(Theo Đất Việt)
- 127
- By Admin
- 23/08/2011
- 17