• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Biệt thự bỏ hoang: Sẽ công khai danh tính chủ nhân

Xây thô rồi để rêu mọc

Khu đô thị Văn Quán (Q.Hà Đông) chính thức tiếp nhận các cư dân về ở cách đây đã 6 - 7 năm. Hiện cơ sở hạ tầng ở đây khá đồng bộ, đáp ứng tương đối tốt nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh hồ nước, đường sá khang trang, những dãy nhà chung cư cao tầng, những ngôi biệt thự đẹp đẽ, cảnh quan nơi đây đang bị làm xấu đi bởi hàng chục ngôi biệt thự, nhà ở liền kề bỏ hoang.

Chiều 27.1, đi lòng vòng các con đường trong khu đô thị, chúng tôi nhìn thấy nhiều ngôi biệt thự rộng vài trăm m2, đã xây xong phần thô, bỏ không đã nhiều năm. Vị trí của các biệt thự bị bỏ hoang rất đẹp, có biệt thự 2 mặt tiền. Một cảnh hoang tàn, tường gạch rêu phong, loang lổ, dây leo chằng chịt bao phủ các biệt thự này. Một số biệt thự được người dân tận dụng làm chỗ rửa ô tô và xe máy, bán trà nóng, hay thậm chí biến thành kho chứa sắt thép của một cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng.

Biệt thự bỏ hoang: Sẽ công khai danh tính chủ nhân | 1

Hàng trăm tỉ đồng phơi nắng phơi mưa

Tại cụm chung cư An Sinh, khu đô thị Mỹ Đình II, hàng chục biệt thự xây thô cũng đang bị bỏ mặc cho mưa nắng nhiều năm nay. Một vài căn được xây bịt kín tầng 1, những căn khác lại được chăng các loại dây thép hay dựng hàng rào bằng các thanh tre, gỗ để “bảo vệ”.  Theo những người dân sống gần đây, thi thoảng mới có vài người dân và khách vãng lai đến ngó qua. Một người dân ở khu vực này cho biết người ta vẫn đang rao bán các biệt thự với giá 170 -  190 triệu đồng/m2, tính ra mỗi căn giá vài chục tỉ đồng.

Một loạt các căn biệt thự nằm xen kẽ, thậm chí là cả dãy biệt thự tại khu đô thị Quang Minh 1 và Quang Minh 2 (H.Mê Linh), khu đô thị mới Cổ Nhuế  - Xuân Đỉnh, khu đô thị mới Linh Đàm mặc dù đã xây xong phần thô và bán cho khách nhưng đến nay vẫn bị bỏ hoang. Trong đó, tiêu điều nhất, theo khảo sát của chúng tôi, chính là khu biệt thự tại Quang Minh 1 và Quang Minh 2. Nằm cạnh đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, khu đô thị Quang Minh 1 được xem là nơi sống lý tưởng của người dân thủ đô nhưng tại đây hiện chỉ là những khối nhà có đường nét kiến trúc hiện đại, diện tích rộng hàng trăm mét vuông, mới chỉ được xây xong phần thô nằm hoang vắng. Những chiếc cổng sắt được khóa chặt bên ngoài, nhưng bên trong sân vườn, trên tường, cỏ, rêu xanh mọc nham nhở. Nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, nhiều căn biệt thự thuộc khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh đã trở thành... chỗ đun nấu của một số nhóm công nhân thi công gần đó.

Hậu quả của đầu cơ và quy hoạch kém

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong khi một bộ phận không nhỏ người dân thành phố đang gặp khó khăn về chỗ ở, việc hàng trăm biệt thự bị bỏ hoang không chỉ phản ánh bức tranh không đẹp của bộ mặt đô thị mà còn rất lãng phí và phản cảm.

Vì sao người ta lại bỏ hoang các khu biệt thự? Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, một là, chủ nhân của những ngôi nhà này bị “đứt gánh giữa đường” vì lý do tài chính. Hai là một số người mua nhà với mục đích để dành tiền, để đồng tiền không bị mất giá chứ không có nhu cầu để ở hoặc cho thuê. Những người này có tâm lý đã đổ tiền vào bất động sản thì kiểu gì cũng sinh lời lớn. Trong khi đó, có một bộ phận những người kiếm tiền bất chính đã rót tiền vào khu biệt thự để rửa tiền.

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, những khu biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội là cái giá phải trả cho những khiếm khuyết về chính sách quản lý bất động sản ở nước ta, cụ thể là chưa ngăn chặn được nạn đầu cơ và quy hoạch chưa tương xứng. Một số khu biệt thự không có người ở bắt nguồn từ việc quy hoạch không phù hợp, thiếu trường học, thiếu bệnh viện và thiếu điều kiện đáp ứng nhu cầu về tinh thần và văn hóa của cư dân. “Lỗi này được xác định là do có tình trạng các cấp hữu trách thẩm định và duyệt quy hoạch, dự án không kỹ lưỡng, không đầy đủ”, ông Võ nói. Theo ông, không khó để nhận thấy dấu hiệu đầu cơ bất động sản khi mà nhiều người vẫn bỏ tiền giữ nền đất, phần xây thô, thậm chí là cả khu biệt thự đã hoàn thiện.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, có nhiều nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng hàng loạt biệt thự bị bỏ hoang này nhưng chắc chắn có dấu hiệu của nạn đầu cơ. “Các nước người ta cũng sử dụng thuế đất làm công cụ chống đầu cơ và đạt được hiệu quả cao. Chúng ta phải ngăn chặn đầu cơ bằng chính sách về thuế nhưng đáng tiếc hiện thuế đất của mình còn nhiều khiếm khuyết, mức thuế còn thấp”, ông Hiển nêu thực trạng. Về vấn đề này, GS Võ nói thẳng: “Giải pháp về thuế hiện nay không làm được gì với nạn đầu cơ. Mức thuế cao nhất cũng chỉ là 0,15%, tính ra thì số tiền mà các nhà đầu cơ phải bỏ ra chưa có nghĩa lý gì so với lợi nhuận kếch xù mà hoạt động gom đất, gom biệt thự tạo sự khan hiếm giả tạo đẩy giá lên quá cao mang lại”.

Công khai danh tính chủ nhân

Ông Phạm Sỹ Liêm lưu ý, việc tăng cường kiểm tra và xử lý tình trạng bỏ hoang biệt thự cần phải được tiến hành thường xuyên và mạnh mẽ. Thành phố phải có thái độ kiên quyết để xử lý hiện trạng vừa tăng tính răn đe đối với những trường hợp đang có ý định mua nhà biệt thự… rồi bỏ hoang. GS Võ cho rằng, trong trường hợp biệt thự không có người ở do quy hoạch chưa phù hợp thì Nhà nước trợ giúp, nhà đầu tư có trách nhiệm cộng sức để quy hoạch lại cho đồng bộ. Ứng xử thế nào với biệt thự bỏ hoang do nạn đầu cơ gây ra, theo ông Võ đang là một thách thức lớn đối với thành phố.

“Thành phố cần công bố danh tính chủ sở hữu các khu biệt thự bỏ hoang, thực hiện tính minh bạch trong đầu tư bất động sản. Dân ta “trăm mắt nghìn tai”, đều có thể biết anh bỏ hoang biệt thự do đầu tư bị nhỡ nhàng, do đầu cơ hoặc rửa tiền bất chính. Họ sẽ thông cảm với những biệt thự bỏ hoang có lý do chính đáng và trong trường hợp ngược lại thì lên án cực lực”, ông Liêm hiến kế. Bên cạnh đó, thành phố phải sử dụng biện pháp mạnh như: gia hạn trong một thời hạn ngắn chủ đầu tư phải hoàn thiện xong biệt thự xây thô bỏ hoang. Nếu chủ đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ, thành phố sẽ tiến hành định giá và mua lại để làm nhà công vụ, cho thuê hoặc bán cho người có nhu cầu thực sự về chỗ ở.

(Theo NDHmoney)

  • 0
  • By Admin
  • 28/01/2011
  • 17