• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Biệt thự bỏ hoang: Cứ bỏ hoang là đánh thuế!

Ngay sau khi Bộ Xây dựng công bố thông tin qua kiểm tra ở Hà Nội đã phát hiện gần 700 căn biệt thự bỏ hoang, Bộ Tài chính đã có kế hoạch nghiên cứu việc đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang. Đề xuất của Bộ Tài chính đáp ứng lòng mong muốn giải quyết tình trạng nhếch nhác đô thị; đáp ứng yêu cầu về công bằng xã hội trong sử dụng tài nguyên đất đai... Nhưng liệu có khả thi?

Trao đổi với Pháp Luật Tp.HCM xung quanh đề xuất đánh thuế biệt thự bỏ hoang của Bộ Tài chính, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (ảnh), nhấn mạnh: Phải đánh thuế cao, làm sao để người ta không giữ nổi cái nhà bỏ không đó nữa, ít nhất cũng phải đem cho thuê.

Cứ bỏ hoang là đánh thuế

Trong bối cảnh ở các đô thị lớn có hàng loạt biệt thự, nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư để không, việc đánh thuế cao với nhà bỏ hoang sẽ có tác động như thế nào, thưa ông?

Sắc thuế riêng cho nhà bỏ hoang, nghĩa là nhà không có người ở là rất cần thiết. Theo tôi, mức thuế phải đóng đối với nhà bỏ hoang 2%-3% giá trị nhà/năm như dự kiến của Bộ Tài chính là hợp lý. Có nghĩa là mức thuế phải bằng hoặc cao hơn giá cho thuê nhà, lúc đó mới loại bỏ được việc bỏ hoang.

Biệt thự bỏ hoang: Cứ bỏ hoang là đánh thuế! | ảnh 1
Biệt thự bỏ hoang tại cụm chung cư An Sinh, Mỹ Đình 2, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Vân

Chủ nhân của những ngôi nhà bỏ hoang thường chủ yếu là giới đầu cơ. Vì vậy phải đánh thuế làm sao để họ không giữ nổi cái nhà bỏ không đó nữa. Ít nhất người ta cũng phải cho thuê, bởi nếu cứ bỏ hoang thì sẽ phải đóng thuế cao. Chứ nếu với mức thuế thấp, người có nhà còn chịu nổi, người ta cứ bỏ nhà hoang đấy thì cũng không làm gì được.

Đề xuất của Bộ Tài chính phân biệt hai loại: nhà bỏ hoang do chủ quan và do khách quan. Theo đó, nhà bỏ hoang do khách quan như thiếu hạ tầng phục vụ cuộc sống thì sẽ không bị đánh thuế. Như vậy có hợp lý không?

Nhà bỏ hoang là nhà không có người ở. Phường là nơi xác định được điều này. Theo tôi, nhà chưa sử dụng vì bất cứ lý do gì thì đều nên đánh thuế như nhau. Ngay cả việc bỏ hoang vì lý do khách quan như hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật ở khu vực đó chưa hoàn chỉnh thì cũng không thể được miễn thuế. Vì thấy hạ tầng ở đó chưa hoàn chỉnh sao anh vẫn mua? Nếu quy định nhà bỏ hoang vì lý do khách quan mà không bị đánh thuế thì rất dễ phát sinh tiêu cực. Bởi ngay cả khi nhà bỏ hoang do đầu cơ, người ta vẫn có thể đổ lỗi cho lý do khách quan để không bị đánh thuế. Với 700 biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội vừa được thống kê, cũng nên đánh thuế như vậy.

Không thể lý luận cùn

Trước đây khi làm Luật Thuế nhà đất đã từng có đề xuất đưa nhà vào diện đánh thuế nhưng không thành. Vậy tới đây liệu có đánh thuế được với nhà bỏ hoang?

Năm 2009, khi làm dự thảo Luật Thuế nhà đất, ban soạn thảo đã đưa cả nhà vào là đối tượng chịu thuế. Nhưng khi đưa ra Quốc hội, nhiều ý kiến không đồng tình với lý do: Nhà của ta chưa đủ để ở, thu nhập của người dân còn thấp; vì vậy chưa nên đánh thuế nhà... Tuy nhiên, việc đánh thuế với nhà bỏ hoang hoàn toàn khác so với đề xuất đánh thuế nhà trước đây. Đó là hai loại nhà khác nhau: nhà ở và nhà bỏ hoang. Với nhà bỏ hoang thì hoàn toàn có thể đánh thuế được…

Nhưng sẽ có người biện luận rằng: “nhà của tôi, tôi có quyền làm gì thì làm, thậm chí là để cỏ mọc cũng không ảnh hưởng tới ai, sao lại đánh thuế”, thưa ông?

Sở hữu đối với bất động sản có cái khác so với các tài sản khác. Anh mua cái ôtô, không dùng cũng không sao. Anh mua cái bút, bỏ đi cũng được. Vì điều đó không ảnh hưởng gì đến ai. Nhưng với bất động sản, anh không sử dụng thì lại làm ảnh hưởng đến người khác, vì quỹ nhà đất có hạn. Nhà đất là của anh nhưng anh phải sử dụng theo quy hoạch của Nhà nước. Vì vậy, không thể lý luận cùn: “Nhà đất của tôi, tôi muốn làm gì cũng được”.

Thường ở hàng “đại gia” mới có nhà đất bỏ hoang và tiếng nói của họ thì rất có trọng lượng. Thành ra là sẽ khó! Nếu cơ quan quản lý nhà đất, cơ quan thuế của ta vượt qua được trở ngại này thì mới làm được. Theo tôi, thuế đối với nhà bỏ hoang cần sớm được ban hành và nên quy định trong một sắc thuế riêng do Quốc hội ban hành. Bởi đây là vấn đề lớn, nếu được quy định trong luật hiệu lực sẽ cao hơn.

Cảm ơn ông.

(Theo PLTP)



  • 0
  • By Admin
  • 29/04/2011
  • 17