Biệt thự bỏ hoang: Chủ đầu tư "mang con bỏ chợ"?
Trong suốt thời gian qua, tình trạng biệt thự, liền kề thậm chí cả đô thị bỏ hoang đang gây bức xúc dư luận nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực để mọi tầng lớp nhân dân đều có thể sở hữu nhà ở.
Theo phản ánh của các cơ quan ngôn luận, phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng biệt thự, liền kề bỏ hoang là do giới đầu tư đang “găm” giữ do không có nhu cầu ở thực. Vì vậy, mới đây Bộ xây dựng đã có đề xuất xóa hình thức phân lô, bán nền để phần nào hạn chế việc đầu cơ, tích trữ, găm giữ, thổi giá bất động sản
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân không chỉ xuất phát từ phía nhà đầu tư mà do phần lỗi rất lớn của các chủ đầu tư các dự án đô thị mới.
Qua nhiều lần khảo sát tại các đô thị "hoang" như khu đô thị mới Văn Phú, khu đô thị Làng Việt Kiều Châu Âu, khu đô thị mới Tân Tây Đô, khu đô thị Geleximco,… điều chúng tôi nhận thấy là hạ tầng đường xá ngổn ngang, bẩn thỉu, thiếu trường học, bệnh viện, hệ thống điện, nước cũng chưa có khiến cho rất nhiều người dân dù có nhu cầu cấp bách về nhà ở nhưng không thể chuyển đến.
Chị Phương Lan (một người dân sinh sống tại khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông) cho biết, gia đình chị vừa chuyển từ Điện Biên xuống Hà Nội được 2 tháng nay, vợ chồng chị bỏ gần 7 tỷ đồng ra mua căn liền kề ở Văn Phú. Theo cam kết trong hợp đồng giữa năm 2010 chủ đầu tư bàn giao nhà cho các hộ dân. Thế nhưng, tại khu nhà chị có khoảng hơn 100 căn nhưng chỉ có 5 gia đình về sinh sống. Hiện, cuộc sống gia đình chị rất khó khăn vì thiếu nước, điện, không có hệ thống cáp vì không không thể kết nối hệ thống truyền hình, thậm chí không có sóng điện thoại.
“Gia đình tôi hiện đang mua điện của ban quản lý nhà ở với giá 3.000 đồng/số đắt gấp đôi, gấp ba lần so với giá điện bình thường. 1 tháng gia đình tôi chỉ được cấp 4 khối nước sạch trong khi nhu cầu sử dụng nước lên đến 10-15 khối nước/tháng, do vậy buộc chúng tôi phải khoan giếng mà nước giếng khoan ở khu vực này rất đục, gia đình lại có cháu nhỏ nên tôi rất lo lắng. Thật sự, mang tiếng sống ở Hà Nội nhưng còn khổ sở hơn rất nhiều so với ở Điện Biên” chị Lan than thở.
Không chỉ thiếu điện, nước mà theo phán ảnh của những người dân sinh sống khu đô thị làng Việt Kiều Châu Âu, tình trạng bẩn thỉu, ô nhiễm môi trường đang “bức tử” cuộc sống của họ. Nguyên nhân suất phát từ việc, chủ đầu tư chậm hoàn thiện đường xá, cầu cống vì vậy vỉa hè trước cửa các khu nhà luôn trong tình trạng bị đào bới, cát sỏi nguyên vật liệu đổ bừa bãi. Mùa nắng thì đỡ hơn, nhưng mùa mưa thì sình lầy và bẩn thỉu vô cùng…
Tất cả lý do trên đủ để minh chứng cho việc vì sao mà Hà Nội đang ngày càng có nhiều khu đô thị bỏ hoang do không đáp ứng nhu cầu sinh sống của rất nhiều người dân.
Trong khi đó, với vị trí xa hơn Văn Phú, làng Việt Kiều Châu Âu, nhưng khu đô thị mới Xa La, Văn Quán… thì tỷ lệ người đến ở lại khá đông. Điển hình như, khu đô thị mới Xa La nằm dọc tuyến đường 70. Khu đô thị này mới chỉ đi vào hoạt động được vài năm nhưng số hộ dân sinh sống rất đông.
Theo anh Nguyễn Nam (người dân sống tại khu đô thị mới Xa La) cho biết, hệ thống trường học ở đây có đủ từ mẫu giáo đến trung học, hệ thống công viên, hồ bơi, cây xanh, cảnh quan đặc biệt môi trường sống rất tốt vì vậy không chỉ lô nhà liền kề, biệt thự mà các khu nhà chung cư cứ tòa nào hoàn thiện là chỉ sau vài tháng là được lấp đầy hộ dân.
“Môi trường sống, hệ thống tiện ích phục vụ cho cuộc sống của người dân là một trong những tiêu chí quan trọng. Nếu khu đô thị đẹp nhưng thiếu các yếu tố này thì sẽ không thu hút được người dân đến sinh sống. Khi bán nhà chủ đầu tư thường vẽ ra viễn cảnh đẹp lộng lẫy nào là hồ nước, cây xanh, công viên… nhưng rốt cục có mấy ông chủ đầu tư nào làm đúng như cam kết. Vì vậy mới xảy ra tình trạng ngày càng có nhiều đô thị hoang bủa vây Hà Nội”, anh Nam chia sẻ.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, sở dĩ có hiện tượng nhà biệt thự bỏ hoang thì ngoài nguyên nhân đầu cơ còn do phía chủ đầu tư không hoàn thiện hạ tầng trong đó nhiều dự án làm xong nhà "quên" luôn làm hạ tầng.
"Đã gọi là phát triển khu đô thị mới thì nó phải bằng và tốt hơn khu đô thị cũ thì mới hút được người dân về ở. Đường sá chưa kết nối, điện nước chưa hoàn thiện xong, không có chỗ cho con cái học hành... Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để các khu đô thị chưa thực sự trở thành đô thị". ông Hà nói.
(Theo VnMedia)
- 0
- By Admin
- 16/06/2011
- 17