• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bí quyết chọn vật liệu lát sàn đẹp và hợp phong thủy

Tôi muốn lát mỗi phòng một loại gạch khác nhau thì có bị xung khắc gì không, và cần chú ý nguyên tắc gì về phong thuỷ khi lát sàn để cho ngôi nhà được hài hoà?

Trần Văn Tường, phường Hiệp Thành, Q.12, Tp.HCM
 
Trả lời:

Trong mọi ngôi nhà, sàn nhà là khu vực sử dụng trực tiếp và mang tính cơ bản nhất, đồng thời lại ít có thể thay đổi được thường xuyên so với tường hay trần. Lát chỗ nào là “cứng” chỗ đó luôn, đồng thời cũng thể hiện việc phân định không gian thông qua cao độ sàn, vật liệu, kiểu cách ốp lát, từ đó tác động đến thụ cảm của người dùng và tính chất phong thuỷ của không gian đó.

Nguyên tắc cơ bản khi hoàn thiện hay sửa chữa nhà cửa là nên đạt tính đồng bộ, có thể thấy các công trình quan trọng, công trình tôn giáo, hay dinh thự thời xưa hầu như không sử dụng quá nhiều chủng loại vật liệu lát sàn. Điều này không hẳn vì thiếu vật liệu hay chi phí, mà vì tính thống nhất cũng như tính tự nhiên luôn được tôn trọng. Nếu vật liệu gạch lát nền thay đổi liên tục, thiếu hợp lý về độ nhẵn hay bóng, màu nóng hoặc màu lạnh pha trộn lộn xộn… thì có dùng gạch đắt tiền đi chăng nữa, xét về khả năng liên kết không gian vẫn thua kém một ngôi nhà chỉ lát một màu gạch thô mộc hài hoà. Tất nhiên nếu chỉ dùng có một loại gạch đồng đều kích cỡ, hoa văn, màu sắc để lát cho tất cả các không gian trong nhà thì cũng không ổn, vì đó chỉ là lối hoàn thiện đơn điệu, không phân biệt chính phụ và dẫn đến một trường khí trì trệ, thiếu sinh động.
 
Việc gia tăng khí cho mỗi ngôi nhà hay được phát huy tại những không gian giao thông, nơi trang trọng hay chỗ đối ngoại nhờ cách lát nền có chính phụ và sáng tạo.
 
Quan điểm phong thuỷ hợp lý nhất là tạo môi trường trung hoà: chọn cách lát sàn sao cho có dẫn dắt và chuyển tiếp, sao cho nhìn vào thấy tự nhiên chứ không phải là cố ý “vẽ vời” lên bề mặt sàn, và sao cho hợp quy luật cân bằng âm dương. Cùng một loại vật liệu nhưng nếu đặt gần ánh sáng bên ngoài, gần nơi qua lại (dương tính hơn) thì sẽ sáng hơn và chịu tiếp xúc, va chạm, mài mòn nhiều hơn là trong những nơi khuất (âm tính hơn).

Cụ thể là những không gian chính, đối ngoại và có sự giao tiếp nhiều như phòng khách, phòng sinh hoạt… thì nên dùng gạch khổ lớn, gạch có khả năng chịu va chạm nhiều hơn.

Còn những không gian phụ, riêng tư như phòng ngủ có thể dùng gạch khổ nhỏ hơn, dùng sàn gỗ hay sàn trải thảm.
 
Nhấn đúng chỗ và hài hoà với phong cách chung sẽ giúp vật liệu lát sàn nêu bật được vẻ đẹp tự thân, không sa đà vào tiểu tiết vụn vặt.
 
Tại các vị trí tiếp giáp hoặc thay đổi không gian nên dùng gạch viền hay đá để tạo phân cách đồng thời nếu muốn chuyển tiếp êm dịu thì hàng gạch lên này sẽ mang tính trung hoà. Và khác với giấy dán tường hay màu sơn có thể thay đổi, sàn nhà không thể cứ mỗi khi đổi chủ lại phải bóc lên làm lại cho hợp mệnh! Do đó, yếu tố ngũ hành chỉ nên quan tâm ở mức độ hợp không gian và không quá xung khắc giữa các không gian với nhau.

Cụ thể là phòng khách và sinh hoạt chung thuộc thổ thì yếu tố thổ cần nhấn nhiều hơn.
 
Chỉ với những vật liệu giản dị dễ kiếm như đá chẻ, đá mài, gạch men… vẫn có thể tạo điểm nhấn và tăng tính thân thiện cho công trình.
 
Phòng ngủ thuộc mộc thì dùng sàn gỗ hay phong cách ốp lát mềm mại thuộc thuỷ và mộc là tương hợp. Mặt khác, không phải cứ hợp hành nào là “ấn” hành đó vào phòng, ví dụ phòng tắm thuộc thuỷ nhưng gạch sử dụng hoàn toàn có thể tuân theo phong cách chung của toàn nhà, nếu muốn tạo cảm giác “tươi mát, ướt át” thì có thể nhấn nhá đôi chỗ bằng màu xanh, chứ không phải lát toàn phòng tắm bằng gạch màu xanh biển hay màu đen mới là đúng hành thuỷ.

Màu sắc gạch cũng cần tương quan nhau, tránh những thay đổi đột ngột trừ khi muốn tạo điểm nhấn. Kiểu cách lát gạch sẽ góp phần thay đổi cảm quan thị giác, như xoay chéo giúp kéo dãn không gian, lát thẳng và vuông vức sẽ tăng sự trang trọng, lát điểm hoặc viền giúp tăng thêm sinh động. Nên chọn một vài chủng loại vật liệu ốp lát mang tính chủ đạo, sau đó điểm xuyết những loại đặc biệt khác để nổi bật hơn (phong thuỷ gọi là gia tăng khí) trên cơ sở hai tiêu chí cơ bản là hợp công năng và độ bền (cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật).
 
  • 351
  • By Admin
  • 11/04/2013
  • 17