• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bị phạt vi phạm hợp đồng có phải bồi thường thiệt hại hay không?

Công ty tôi đã giao hàng đúng hẹn nhưng công ty A nói chất lượng gạch không đúng như hợp đồng nên ngoài tiền phạt 10 triệu đồng còn đòi công ty tôi bồi thường thêm 30 triệu đồng nữa.

Công ty tôi đồng ý nộp phạt nhưng không đồng ý bồi thường thêm tiền nên công ty A không thanh toán 240 triệu đồng dù đã quá thời hạn thanh toán 3 tháng theo thỏa thuận.

Xin hỏi: Công ty tôi có phải bồi thường 30 triệu  đồng không? Nếu công ty tôi khởi kiện thì phải gửi đơn khởi kiện tới tòa án nào? Nếu công ty tôi không muốn gửi đơn kiện đến tòa án mà giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có được không?

Hoàng Quốc Việt (Hoàn Kiếm, Hà Nội)


- Trả lời:

Công ty bạn và công ty A đã thống nhất trong hợp đồng mức phạt cho mỗi vi phạm là 4% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Căn cứ theo Điều 300, Điều 301 - Luật Thương mại thì thỏa thuận này là hợp pháp.

Khi công ty bạn giao hàng không đúng chất lượng như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 307 - Luật Thương mại năm 2005 thì trong trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. Do đó, công ty A có quyền yêu cầu công ty bạn phải chịu chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu có đủ căn cứ chứng minh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Công ty bạn chỉ phải bồi thường thiệt hại cho công ty A nếu công ty A đưa ra đầy đủ những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. (Điều 303 - Luật Thương mại 2005).

Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Khoản 2 Điều 303 - Luật Thương mại 2005).

Công ty bạn có thể gửi đơn khởi kiện tại tòa án nơi đặt trụ sở của công ty A yêu cầu tòa án buộc công ty A thanh toán tiền hàng cho công ty mình (điểm a khoản 1 Điều 35 - Bộ luật Tố tụng dân sự) hoặc 2 bên thoả thuận bằng văn bản yêu cầu toà án nơi đặt trụ sở của công ty bạn giải quyết (điểm b khoản 1 Điều 35 - Bộ luật Tố tụng dân sự).

Công ty bạn muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì giữa công ty bạn và công  ty A phải có thỏa thuận trọng tài (khoản 1 Điều 3 - Pháp lệnh Trọng tài thương mại).

LS Bùi Sinh Quyền
(Theo ANTĐ)

  • 350
  • By Admin
  • 16/09/2010
  • 17