• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bếp "ấm" và bếp "lạnh"

Thiếu bà nội trợ giỏi

Dù biết mình không phải là người có tài bếp núc, nhưng mãi đến hôm đưa người yêu về ngôi nhà sang trọng với gian bếp được trang trí và bày biện đúng theo "catalogue", để cùng nhau nấu bữa trưa, Thanh Thảo mới nhận ra làm bếp không dễ, mà làm bếp với dụng cụ nấu nướng hiện đại lại càng khó. Là phó tổng giám đốc của một công ty lớn, thu nhập lên hàng ngàn đôla mỗi tháng, Thảo đã tốn cả trăm triệu đồng để trang hoàng cho gian bếp trong nhà đúng kiểu mà cô nhìn thấy ở các showroom, dàn kệ sơn hai màu trắng – đỏ bóng loáng, bếp gas âm kiểu Ý, bộ nồi nhập từ Bỉ, dàn hút khói và các dụng cụ nấu theo đúng kiểu châu Âu… Ngay cả bộ hũ đựng gia vị cũng là loại thuỷ tinh cao cấp mà Thảo đặt mua từ Malaysia mang về.

Bếp "ấm" và bếp "lạnh" | ảnh 1

Bếp sang, toàn dụng cụ cao cấp đến vậy. Nhưng khi Thảo chiên trứng trên chiếc chảo Inox bóng loáng nhập từ Đức, thì trứng lại nhanh chóng cháy khét vòng cạnh ngoài, còn ở giữa thì vẫn sống. Loay hoay trở tới trở lui, trứng chiên bị cháy khét. Hấp rau củ trong lò vi ba, Thảo nhấn nút đúng theo hướng dẫn ghi trên catalogue, và cô cũng chẳng hiểu sao sau 15 phút rau củ lại bị khô lớp trên mặt, còn lớp bên dưới thì chín nhừ… Đến tối khi trò chuyện với mẹ, Thảo mới biết chiên trứng nên dùng chảo đen có tráng lớp chống dính sẽ dễ làm hơn, hấp rau củ muốn chín đều và ngon phải để loại lâu mềm như cà rốt, củ dền xuống dưới và bên trên là loại mau nhừ như khoai tây, đậu que; ngay cả khi hấp lò vi ba thì cũng phải đậy nắp thố lại mới đúng cách. Mẹ Thanh Thảo bảo: "Đồ bếp hiện đại không dễ xài đâu con ạ. Nghiền tỏi cho nhuyễn thì phải bóc vỏ tỏi, nghiền xong chùi rửa dụng cụ và lau thật khô để không bị gỉ sét, công chùi rửa còn mệt hơn là mẹ lấy dao đập bẹp trên thớt rồi chỉ rửa thớt dao là xong." Cũng giống như chiếc tủ bếp của nhà Thảo, theo mẹ thì mỗi lần nấu xong phải chùi rửa ngay bằng loại nước rửa chuyên dụng, nếu không sẽ bị ố vàng trông rất xấu, mà khăn lau cũng phải là khăn trắng sạch, chùi không đúng cách thì tủ bếp xuống cấp rất nhanh.

Bếp lạnh

Ông Nguyễn Thanh, một doanh nghiệp kinh doanh thương mại khá thành công, hiện có đến ba ngôi nhà khác nhau tại TP.HCM kể: "Tôi vẫn thích gia đình kiểu như nhà cha mẹ tôi ngày xưa, không giàu có, nhưng mỗi ngày con đi học về, cha đi làm về, đều thích quây quần trong nhà bếp để thưởng thức khi thì món bánh canh rau nhút, khi thì cháo cá lóc nấu nấm, khi thì tôm rim thịt… nóng hôi hổi vừa từ bếp nhắc xuống." Còn hiện tại, ba căn nhà của ông đều được trang bị những tiện nghi hiện đại. Ở mỗi gian bếp của từng ngôi nhà, vợ ông còn thiết kế theo gu thẩm mỹ khác nhau, nhưng hiếm khi cả gia đình có cơ hội quây quần bên bếp. Bởi do công việc, ông thường xuyên ngụ tại ngôi nhà gần sân bay Tân Sơn Nhất để điều hành hoạt động công ty, vợ con ông sống tại ngôi nhà khu Trung Sơn gần với các trường quốc tế, thỉnh thoảng cuối tuần cả nhà mới cùng nhau đi về nhà nghỉ ở khu vực Nhà Bè. Những lúc ấy, bếp cũng chẳng đỏ lửa, vì thực phẩm mang theo là những món gà vịt quay sẵn, tôm ghẹ mua sẵn chỉ cần nấu nước sôi lên luộc chín là xong…

Tương tự như vậy, bếp lạnh cũng là điều làm bà Trần TH, doanh nghiệp trong ngành may mặc day dứt. Bởi đã gần 20 năm nay, bà không có thời gian để làm nóng gian bếp trong nhà. Phòng ăn trong nhà bà hiện đại và tiện nghi là vậy, nhưng các món ăn hầu hết là món nhà hàng chế biến sẵn được đặt mang về cho hợp với khẩu vị các con. Người giúp việc sợ làm hỏng đồ dùng nhà bếp quý giá, sợ nấu làm vương mùi trong nhà kín nên đặt chiếc bếp gas nhỏ phía sau góc vườn để luộc rau, kho cá, kho mắm ruốc. Bếp sang chỉ để thỉnh thoảng bà làm món trứng ốpla, chiên chút thịt bò bíttết cho nhanh. Thành thử bộ nồi Inox đã mua hơn ba năm vẫn còn bóng loáng như mới, bộ dao 12 chiếc mới chỉ có ba chiếc được xài..

(Theo SGTT)

  • 161
  • By Admin
  • 16/10/2012
  • 17