• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

“Bệnh” cũ vẫn chưa có phương thuốc mới

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng “Tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà...”.

“Bệnh” cũ vẫn còn

Cách đây gần 4 năm, vào cuối năm 2004, Quốc hội đã từng có phiên giám sát tối cao về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Khi đó, bức xúc của các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đều dồn vào tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn và thất thoát lãng phí trong XDCB.

Tại phiên họp hôm qua, theo báo cáo của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tình hình đã có một số cải thiện, các bộ, ngành, địa phương đã chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch đầu tư XDCB. Điểm nhấn rõ nhất là nếu như năm 2004, tổng số vốn nợ đọng XDCB là trên 11.000 tỷ đồng thì nay các bộ, cơ quan trung ương về cơ bản đã không còn nợ đọng nữa. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH tỏ ra bức xúc khi những tồn tại, yếu kém trong XDCB dường như không xa lạ so với phiên giám sát của Quốc hội 4 năm trước.

Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền nhận xét: “Tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án thấp, còn thất thoát, lãng phí so với đầu tư bằng nguồn vốn khác. Tình trạng bố trí vốn dàn trải, đầu tư thiếu đồng bộ vẫn còn khá phổ biến. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt, công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán của nhiều đơn vị được kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu, các dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện có xu hướng tăng lên”.

Nâng chất lượng quy hoạch và khâu quyết định đầu tư

Nhiều đại biểu cho rằng, những vấn đề mang tính nguyên nhân của “căn bệnh” thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư XDCB vẫn chưa được giải quyết. Chẳng hạn về quy hoạch, Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng đây vẫn là vấn đề “hết sức rối rắm”. Theo ông, nếu làm tốt được công tác này thì chắc rằng sẽ không có “hội chứng” nhà máy đường, nhà máy bia, xi măng lò đứng, khu công nghiệp, chỗ nào cũng cảng, chỗ nào cũng sân bay, tiền nong thì có ít, rồi đi đến đâu thì cũng nói trung tâm.

“Sắp tới sẽ có “hội chứng” nhà máy thép và nhà máy đóng tàu, và đáng sợ nhất là nếu bố trí không hợp lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, các thế hệ con, cháu của chúng ta sẽ phải trả giá đắt”. Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nhận xét, đã có rất nhiều nỗ lực để hoàn thiện pháp luật về xây dựng cơ bản vốn Nhà nước, nhưng “dường như chúng ta càng chặt thì khi kiểm tra thấy lại càng lãng phí và càng tiêu cực”.

Một lãng phí nghiêm trọng, theo ông Trần Du Lịch, là sự đầu tư thiếu đồng bộ liên quan đến vấn đề quy hoạch. Tình trạng một đoạn đường và cầu thiết kế khác nhau, xây cầu xong không có đường, có người còn nói là “qua cầu xuống ruộng”… vẫn còn phổ biến. “Loại lãng phí do thiếu đồng bộ này dường như chưa có quy định chế độ trách nhiệm, đây là vấn đề rất lớn chưa tổng kết” - Đại biểu Trần Du Lịch nhận xét.

Thảo luận về 2 báo cáo của Chính phủ và UBTVQH, Đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) cho rằng khâu chủ trương, quyết định đầu tư chưa được đề cập thỏa đáng. Trong khi đó, quy hoạch là khâu yếu, ảnh hưởng đến khâu quyết định đầu tư, và thủ tục hành chính còn phiền hà.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) thì cho rằng, quy hoạch ở nhiều nơi chỉ lập để đủ thủ tục đầu tư, nên thiếu thống nhất, chồng chéo, trùng lắp… “Việc xử lý các cơ quan, đơn vị ra quyết định đầu tư sai chưa nghiêm. Đã tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng việc xử lý chưa rõ. Cần tập trung kiểm tra, giám sát ngay từ khâu này” – Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền nói.

Trong khi đó, theo kết quả điều tra của công an, thất thoát trong XDCB hiện nay có ở tất cả các khâu. Đáng lo ngại hơn, theo Đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa – Vũng Tàu), phần phát hiện của lực lượng công an mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Thất thoát XDCB có cả ở khâu “hậu xây dựng” (tiêu cực trong giai đoạn kiểm tra và điều tra). Trước khi tiêu cực đến được người quyết định chủ trương đầu tư, thậm chí cả “những người tham mưu, trình ký cũng có phần”.

Đầu tư cần “ra tấm, ra món”


Các đại biểu cũng kiến nghị sớm khắc phục tình trạng dàn trải trong bố trí vốn đầu tư. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh), đồng thời là Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đầu tư cần phải “ra tấm, ra món”, nếu nhà xây dựng xong mà thiếu thiết bị không hoạt động được thì cũng là lãng phí. Bà cho biết hiện ngân sách mới đáp ứng được khoảng 25% vốn cho các dự án xây dựng bệnh viện, nên kết quả rất “manh mún, chắp vá”. Mới đây, Chính phủ đã bố trí khoảng 17.000 tỷ đồng vốn trái phiếu cho chương trình này, nhưng ở các địa phương lại có xu hướng tăng danh mục đầu tư. “Đề nghị cần chọn lọc những dự án thực sự cấp bách và hiệu quả để làm trước, nếu không thì dàn trải lại hoàn… dàn trải” – Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Năm 2005 có 2.280 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,2% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong năm. Năm 2006 có 3.595 dự án chậm tiến độ, chiếm 13,1%. Năm 2007 có 3.979 dự án chậm tiến độ, chiếm 13,9%. Nhà máy xử lý nước thải khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì hoàn thành bàn giao từ tháng 10-2005 với giá trị 65,55 tỷ đồng và 1.255 triệu yên nhưng không thể vận hành do chưa được cung cấp nguồn điện, nhà máy cấp nước giai đoạn 1 khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì thực tế công suất mới đạt 22,32% làm chậm phát huy hiệu quả và lãng phí vốn đầu tư... Dự án cầu Thanh Trì và tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội với số vốn đầu tư 7.660 tỷ đồng chậm trễ nhiều tháng, tính toán sơ bộ mỗi ngày chậm phải trả 1,5 tỷ đồng tiền lãi vay...

Nguồn: Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 - 2007

Theo Sài Gòn Giải Phóng

  • 0
  • By Admin
  • 06/11/2008
  • 17