"Bẫy" trong hợp đồng góp vốn mua nền nhà, căn hộ
Với thỏa thuận này thì Cty H.Q muốn trễ hẹn bao nhiêu năm cũng được miễn sao sau khi giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trả lãi suất một lần bằng 1,5% là được.
Trong kinh doanh, nhất là ở lĩnh vực bất động sản thì lời - lỗ là chuyện thường tình và không ít doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận lỗ nặng để giữ chữ tín với khách hàng. Thế nhưng, cũng có nhiều đơn vị kinh doanh chỉ biết phần lợi cho mình, khi gặp khó khăn thì đổ hết thiệt thòi cho khách hàng gánh chịu. Để thực hiện toan tính đó, họ bắt đầu từ những hợp đồng mưu mẹo.
Những hợp đồng "ưu việt"
Nhiều người mua căn hộ cao cấp Tân Hồng Ngọc (xây dựng tại phường Tân Thới Hòa, Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) của Công ty cổ phần Tân Hoàng Thắng phản ánh, theo như hợp đồng mà công ty này ký với họ thì thời gian giao nhận căn hộ chậm nhất là đến ngày 31/12/2007.
Tuy nhiên đến nay đã gần cuối tháng 8/2007 nhưng vẫn chưa thấy công ty thông báo nhận nhà mà chỉ có "thư xin thông cảm" của Tổng Giám đốc Đinh Hồng Hải.
Trong thư gửi khách hàng ngày 23/7/2008, có đoạn "do ảnh hưởng của tình hình giá cả nguyên vật liệu xây dựng trước đó tăng cao và khan hiếm, hiện nay cũng như trong thời gian tới giá cả sẽ còn tăng thêm nữa do tình hình lạm phát kéo dài… Sau khi xem xét tình hình thực tế… chúng tôi nhận thấy thời gian khả thi để chúng tôi có thể bàn giao căn hộ cho quý khách hàng vào quý 4/2008. Để bù đắp cho khách hàng, công ty sẽ không thu phí quản lý trong 2 năm kể từ khi bàn giao căn hộ".
Anh T.K., một khách hàng bức xúc: "Thật ra trong phụ lục hợp đồng, chủ đầu tư đã tặng 2 năm phí quản lý chung cư nên thông báo trên cũng bằng thừa. Chúng tôi chẳng được bù đắp gì cả trong khi hàng tháng phải trả lãi vay ngân hàng, tiền thuê nhà… không phải ít".
Trong khoản 2 điều 7 của hợp đồng có thỏa thuận: "Trường hợp bất khả kháng (phải chăng ở đây chủ đầu tư cho rằng giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao là bất khả kháng?) làm ngăn cản bên A thực hiện hợp đồng này trong thời hạn 6 tháng liên tục hoặc lâu hơn thì các bên sẽ có thỏa thuận tiếp tục hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bên A sẽ hoàn trả lại số tiền nhận từ bên B (không tính lãi) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên B". Với ràng buộc quá khôn ngoan này, chủ đầu tư ung dung chờ khi nào nguyên vật liệu giảm giá trở lại thì làm tiếp, còn không thì khách hàng cứ chờ vì chấm dứt hợp đồng mà chỉ lấy lại tiền vốn (đã đóng 90% cho công ty) thì chỉ có nước ôm nợ.
Cũng không kém phần "độc chiêu" mà công ty kinh doanh bất động sản H.Q thường đưa vào hợp đồng ký kết với khách hàng đó là: "Trường hợp bên A (Công ty H.Q) chậm thực hiện nghĩa vụ của mình sau 3 tháng kể từ ngày đến hạn, bên A phải trả lãi một lần duy nhất cho bên B khi giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nền đất với lãi suất 1,5% trên số tiền mà bên B đã thanh toán cho bên A".
Với thỏa thuận này có nghĩa là Công ty H.Q muốn trễ hẹn bao nhiêu năm cũng được miễn sao sau khi giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trả lãi suất một lần bằng 1,5% là được. Cái chi tiết trả lãi 1,5% lập lờ này ai cũng nghĩ là 1,5%/tháng tính từ ngày công ty trễ hạn, nhưng khi khách hàng yêu cầu đòi bồi thường thì công ty này bảo 1,5% này là trên tổng số tiền mà khách hàng góp chứ không tính về mặt thời gian.
Khác với Công ty Tân Hoàng Thắng và H.Q, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc, xây dựng hợp đồng góp vốn khu nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) chẳng rườm rà câu chữ nhưng khách hàng thì khó có thể bắt bẻ được về thời gian giao nhận nền nhà.
Bởi đơn giản, trong phần trách nhiệm của mỗi bên, hợp đồng chỉ nói sẽ giao nền cho khách hàng khi đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xong nhưng thời gian đến bao giờ thì không đề cập.
Phải cân nhắc kỹ hợp đồng trước khi ký
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để xây dựng được những hợp đồng "ưu việt" nhằm bẫy khách hàng, các công ty thường thuê nhiều luật sư giỏi về lách luật, về câu chữ để khi xảy ra những sự cố do khách quan hoặc chủ quan thì chủ đầu tư cũng có lợi.
Luật gia Huỳnh Văn Thời (Hội Luật gia quận 12) khuyến cáo: "Vì đây là hợp đồng dân sự thể hiện sự thỏa thuận của đôi bên nên một trong các bên đều có quyền đưa ra những điều kiện của mình và đi đến thống nhất với bên còn lại chứ cứ để mặc bên kia "đặt đâu ngồi đó" thì sẽ gây thiệt thòi cho mình là khó tránh khỏi".
Tuy nhiên, trước khi trông chờ vào đạo đức trong kinh doanh của các chủ đầu tư thì khách hàng cần chủ động tự cứu mình bằng cách xem kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký
Theo CAND
- 402
- By Admin
- 12/09/2008
- 17