• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bất hợp lý của dự thảo mua, bán nhà ở xã hội

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ

 

Với dự thảo này, liệu có khó khăn trong việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp không thưa ông?

Thế nào là người có thu nhập thấp? Tôi cho rằng ở nước ta xử lý khó hơn các nước khác. Tại nhiều nước, mỗi người có một sổ đăng ký lao động, trả lương qua tài khoản ngân hàng và thu nhập của họ rất rõ ràng. Việc kiểm soát trở nên dễ hơn trong việc ai có thu nhập bao nhiêu, chủ trả lương bao nhiêu và cả kiểm soát thuế thu nhập. Còn chúng ta đã kêu gọi dùng ATM nhưng chưa đâu vào đâu cả.

Chính vì thế, chúng ta không biết ai có thu nhập bao nhiêu, vậy thu nhập thấp sẽ phải tính như thế nào hay chỉ nhờ một xác nhận của một cơ quan nào đó là một người có thể được hưởng ưu đãi hay không?

Chúng ta chưa có điều kiện công khai và đủ cơ sở để có thể công khai, vì thế, xác nhận ai là người có thu nhập là việc làm khó.
 
Theo ông, dự thảo này đã đưa ra đủ các tiêu chí để “rào” đúng đối tượng được hưởng thụ từ chương trình nhà ở xã hội?

Thứ nhất, tôi thấy dự thảo này ghép những người bị thu hồi đất trong giải phóng mặt bằng vào đối tượng có thu nhập thấp là không ổn. Đây là đối tượng đã bị nhà nước thu hồi cần tái định cư, họ bị tổn thương thì phải cư xử với các chính sách riêng. Còn người thu nhập thấp cần tách biệt riêng ra một hướng khác, thông tư này, tôi nghĩ không nên đưa hai đối tượng này vào xử lý chung trong một cơ chế như đã được đặt ra.

Thứ hai, dự thảo này đang đi theo hướng xây dựng một cơ chế nửa bao cấp về nhà ở trong cơ chế thị trường với những tính toán mang tính lý thuyết mà khi đưa vào thực tế sẽ xảy ra chệch choạc.

Rõ ràng, chủ đầu tư với mục tiêu là lợi nhuận và họ luôn làm cách nào để lợi nhuận tăng lên. Do vậy, hành lang pháp lý phải “rào” để họ không được làm. Văn bản này không đưa ra cơ chế cấm các chủ đầu tư không được làm điều gì gây phức tạp, trái đạo lý, không tốt cho xã hội…

Trong khi đó, chúng ta lại giao cho chủ đầu tư phân phát ưu đãi của nhà nước cho người thu nhập thấp thì cơ chế này không đứng được. Bản thân nó mâu thuẫn với quy luật của thị trường, một “ông” chuyên làm ra lợi nhuận lại đi làm việc phân phát ưu đãi nhà nước thì sẽ bị biến tướng trong thực tế.

Còn việc nó biến tướng như thế nào phải đi vào thực tế mới biết. Chúng ta đừng đưa ra cơ chế rườm rà làm gì, cả các cách tính điểm đó là tiêu chí của một cơ chế bao cấp. Doanh nghiệp làm việc này về mặt nguyên lý là ngược.

Văn bản đã trái từ nguyên lý thì dù có “đẻ” ra gấp 10 lần tiêu chí cũng không giải quyết được vấn đề. Đó là chưa kể, khi nguyên lý xộc xệch thì nguy cơ đầu cơ nhà ở xã hội là có và thậm chí là tham nhũng qua việc xét duyệt.

Việc phát triển nhà giá giẻ như một động thái kích cầu thị trường BĐS hiện đang trầm lắng

Nhưng thưa ông, trong dự thảo có đưa ra cơ chế hậu kiểm từ cơ quan chính quyền với các chủ đầu tư, họ sẽ không thể làm sai khi phân phối lợi ích này?

Một trong những trạng thái trong cơ chế thị trường Việt Nam nói chung là: việc đồng thuận giữa một số người chịu trách nhiệm ở các đơn vị khác nhau rất dễ xảy ra. Nếu hai “ông”: chủ đầu tư và người chịu trách nhiệm bên cơ quan quản lý xây dựng “bắt tay” với nhau thì có đăng, có kiểm như thế nào, công khai ra sao họ cũng sẽ vượt qua tất cả.

Như trên tôi đã phân tích, nguyên lý đã trái thì ta đừng bình luận thêm về các tiêu chí xét duyệt người có thu nhập thấp được mua nhà. Dù doanh nghiệp nói họ sẽ làm cẩn thận, nhiệt tình, trách nhiệm nhưng bản thân cơ chế thị trường mới có tác động vào các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, thực tế sẽ trả lời là cơ chế ưu đãi nhà ở xã hội này sẽ biến tướng.

Chúng ta phải tránh các cơ chế để có thể dẫn tới điều đó.

Vậy theo ông, tổ chức hay đơn vị sẽ đứng ra phân phối lợi ích này?

Có các cách được đặt ra: hoặc do UBND các cấp hoặc cơ quan trực thuộc UBND các cấp làm hoặc trực tiếp các doanh nghiệp làm, hay các nơi sử dụng lao động làm. Nhưng tôi cho rằng, hiện nay chúng ta đang sử dụng vai trò các hiệp hội chưa đúng, chưa hiệu qủa như các nước khác. Tất cả những gì là phân phối lợi ích xã hội, có liên quan tới yếu tố bao cấp các nước sử dụng hiệp hội. Hiệp hội chúng ta đang hoạt động mang tính hình thức nhiều hơn.

Tại Việt Nam, hình thức liên đoàn lao động chẳng hạn, nhưng tổ chức này là tổ chức chính trị xã hội. Nếu nó thực sự đại diện cho rộng rãi người lao động thì hình thức liên đoàn lao động có thể làm được, hay Hội liên hiệp phụ nữ họ tham gia bảo vệ quyền lợi lao động nữ có thu nhập thấp. Chúng ta còn có nhiều hiệp hội có thể tham gia vào như hiệp hội ngành nghề.

Thế còn quy định người thu nhập thấp được mua nhà sẽ không được bán trong 10 năm đầu, quy định này có thực tế không thưa ông?

Tôi cho rằng quy định này cũng chỉ là để quy định. Thực tế, 5-6 năm trước đây có báo cáo về chuyển nhượng nhà đất của chúng ta cho rằng, tới 80% là chuyển nhượng không chính thức - tức chuyển nhượng “chui”, viết tay với nhau không làm thủ tục chính thức. Ta ra quy định 10 năm không được chuyển nhượng thì có cơ chế nào giám sát? Tôi tin là rất khó. Khi họ - người thu nhập thấp - đã được ở trong nhà, chúng ta lại không có quy định: ai không có hộ khẩu thì không được đến ở nhà đó không? Họ khai họ đến ở nhờ thì sao?

10 năm không được bán là quy định hình thức trên giấy, ta không thể kiểm soát được. Nếu vẫn cứ quy định thì chỉ là động lực cho họ chuyển nhượng “chui” nhiều hơn.

Hơn nữa, họ chỉ nhận hỗ trợ của nhà nước một phần và họ bỏ ra một phần tiền để mua nhà, thì họ có quyền bán và chúng ta không ngăn được.

Không cho bán chính thức thì họ bán “chui” và càng bất tiện khi chúng ta đang cố gắng để các giao dịch chính thức xuất hiện.

Tôi cho rằng, ta nên ngăn từ cơ chế, chúng ta cho họ hưởng một sự ưu đãi rồi, nếu họ bán đi thì thôi, không cho họ hưởng lần hai nữa.

Xin cảm ơn ông!
 

Thái Linh thực hiện
Theo To Quoc
  • 0
  • By Admin
  • 15/10/2009
  • 17