Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn
Thị trường bất động sản Hà Nội trong một vài năm gần đây có những diễn biến phức tạp. Cùng với sự biến động của các thị trường có liên quan như thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường bất động sản có sự giảm mạnh từ nửa cuối năm 2008, đến hết quý I/2009 thị trường bất động sản vẫn đóng băng.Quý II/2009, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục trở lại, tới quý III/2009, tại khu vực Hà Nội có sự tăng giá mạnh ở tất cả các mảng thị trường nhà ở. Giá nhà, đất liên tục được điều chỉnh và tăng khoảng từ 15% đến 20% so với quý II/2009. Đặc biệt, sang nửa cuối đầu quý I và đầu quý II/2010, giá bất động sản được đẩy lên cao, tăng bình quân 30%, có khu vực tăng hơn 40% so với quý IV/2009.
Quy hoạch Hà Nội được nhiều người quan tâm. (Ảnh: DK)
Biến động về lượng giao dịch và việc tăng giá có sự không đồng đều giữa các khu vực. Khu vực phía Tây, giá bất động sản tăng đều đặn và có thời điểm tăng cao, giá ảo, các khu vực phía Bắc, phía Nam và phía Đông chỉ mới tăng trở lại từ đầu quý I/2010.
Trong 5 tháng đầu năm 2010, khu vực Quốc Oai, Thường Tín, Ba Vì, Thạch Thất có hiện tượng “làm giá”, tung tin đồn, giao dịch ảo để đẩy giá bất động sản lên cao. Hầu hết các giao dịch, mua bán bất động sản tại khu vực Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn chủ yếu với mục đích kiếm lời không phải nhu cầu thật. Sau thời gian ngắn với tốc độ cao và đến mức tới hạn, số lượng giao dịch và giá chào bán đã giảm từ giữa tháng 5/2010 đến nay.
Giải thích nguyên nhân biến động của thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Thọ, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhu cầu về bất động sản nhà ở, các công trình hạ tầng xã hội, dịch vụ thương mại, công trình văn phòng khách sạn tại Hà Nội là rất lớn. Trong khi đó, nguồn cung của thị trường không đủ, đặc biệt về nhà ở. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, ít khu đô thị mới quy mô lớn được triển khai phê duyệt, một số chậm triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Cung chưa đủ cầu dẫn đến giá bất động sản tăng.
Việc đầu tư vào bất động sản vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn, có lợi nhuận cao. Chính vì thế, người dân đổ xô đầu tư dòng tiền vào bất động sản.
Theo ông Ngô Trung Hải, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050 được công bố, phần nào ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Định hướng cơ bản của quy hoạch thủ đô được hình thành, các công trình giao thông lớn xung quanh, kết nối với trung tâm thành phố với các vùng đã và đang được triển khai, thuận lợi cho việc di chuyển, từ đó góp phần để thị trường bất động sản tại các khu vực xa trung tâm sôi động.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới sự biến động của thị trường bất động sản đó là tâm lý đám đông của nhà đầu tư. Việc mua bán làm giá ảo của giới đầu tư, tâm lý mua bán theo tin đồn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã ảnh hưởng đến thị trường.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp tại điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Trong đó, vấn đề Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 tập trung hoàn chỉnh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Công bố công khai quy hoạch được duyệt, xây dựng lộ trình, bước đi cụ thể để tổ chức triển khai. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến 2015, 2020 và 2030 để tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, hoàn chỉnh và phê duyệt Đề án quản lý và phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 nhằm xây dựng một lộ trình tổng thể cho việc quản lý và phát triển thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân đầu tư kinh doanh bất động sản, giao dịch mua bán bất động sản một cách dễ dàng, phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần tích cực vào việc phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
(Theo Đô Thị)
- 0
- By Admin
- 27/07/2010
- 17