Bất động sản trước quy định nghiệt ngã
Thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì các thủ tục hành chính - Ảnh: D.Đ.M
Mua nhà ở xã hội 10 năm sau mới được bán
Tại điều 9 của Nghị định 71 (ban hành ngày 23.6.2010 và có hiệu lực từ 8.8.2010) cho phép doanh nghiệp (DN) huy động vốn bằng nhiều hình thức như vay vốn của các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư hoặc phát hành trái phiếu để huy động số vốn còn thiếu để đầu tư dự án. Tuy nhiên, nghị định lại buộc: “Bên cho vay hoặc bên mua trái phiếu không được quyền ưu tiên mua hoặc ưu tiên đăng ký mua nhà ở”.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal), cho rằng: “Quy định này đã mở thêm một kênh huy động vốn cho DN. Tuy nhiên, việc không cho phép người mua trái phiếu kèm theo quyền ưu tiên mua nhà ở là hoàn toàn không hợp lý. Qua thực tế triển khai huy động trái phiếu để thực hiện các dự án, Sacomreal thấy rằng người tham gia mua trái phiếu đều kỳ vọng vào việc được quyền ưu tiên mua căn hộ. Và chỉ khi được kèm với quyền ưu tiên này, việc huy động trái phiếu mới có hiệu quả”.
“Có thể sau này, khi huy động trái phiếu cho các dự án, Sacomreal sẽ phải tìm một hướng khác để đảm bảo quyền lợi cho người mua trái phiếu, chẳng hạn như nâng mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Như vậy, mới có thể thu hút được khách hàng tham gia mua trái phiếu”, ông Anh nói.
Đề cập đến vấn đề nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cho rằng: “Việc quy định phải 10 năm sau khi mua nhà ở xã hội người dân mới được phép bán lại là khá cứng nhắc và thiếu khả thi. Ví dụ, sau 5 năm, chủ nhà có điều kiện khá giả hơn và muốn đổi nhà, chẳng lẽ phải cứ buộc ở nhà ở xã hội. Làm sao có thể ngăn cản người dân được khi họ bán lại nhà bằng giấy tay?”. Ông Châu cho rằng phải có cơ chế thật linh hoạt để người dân có tâm lý thoải mái khi mua nhà ở xã hội. Giải quyết nhà ở cho những trường hợp khó khăn là trách nhiệm và tính nhân bản của một nhà nước, song sử dụng biện pháp hành chính để ràng buộc việc mua bán như vậy e rằng chưa ổn.
Huy động vốn phải báo cáo Sở Xây dựng
“Việc quy định phải 10 năm sau khi mua nhà ở xã hội người dân mới được phép bán lại là khá cứng nhắc và thiếu khả thi”. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM |
Tại điều 39 của Luật Nhà ở có quy định DN đầu tư các dự án nhà ở chỉ được huy động vốn sau khi xây dựng xong phần móng, tại điều 9 của Nghị định 71 cũng đã xác định rõ khái niệm thế nào là “xong phần móng”. Tuy nhiên, rất nhiều DN tỏ ý không đồng tình với quy định chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng biết trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày ký hợp đồng huy động vốn.
Ông Lê Hùng, Giám đốc Công ty phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) đặt câu hỏi: “Huy động vốn để xây dựng dự án là một vấn đề thuộc về thỏa thuận dân sự. Nếu thông báo cho Sở Xây dựng rồi có phải chờ Sở Xây dựng đồng ý hay không? Nếu phải chờ sở đồng ý khi xảy ra chuyện gì sở có đứng ra xử lý hay phải chịu trách nhiệm gì không? Quy định như vậy là không cần thiết, bởi theo luật, DN được tự chủ về vấn đề phân phối sản phẩm ra thị trường (thời gian phân phối, số lượng, giá cả...) và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm của mình”.
Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty nhà Việt Nam, bức xúc: “Không hiểu quy định phải thông báo bằng văn bản với Sở Xây dựng trước khi huy động vốn có ý nghĩa gì. Nếu chủ đầu tư dự án sử dụng vốn huy động không đúng mục đích thì sẽ có phản ứng từ khách hàng và sẽ phải đối diện với pháp luật. Không nên vì một vài DN làm sai, làm ẩu mà áp đặt tất cả các DN phải báo cáo trước khi huy động vốn”.
Một DN đang triển khai dự án 2.000 căn hộ ở quận 7 (Tp.HCM) dự kiến công bố bán vào quý 3 năm nay, băn khoăn: “Dự án của chúng tôi gồm 10 block chung cư, dự tính chia ra nhiều đợt để bán, mỗi đợt khoảng 200 căn. Vậy mỗi lần bán theo hình thức huy động vốn đều phải thông báo với Sở Xây dựng hay sao?”.
Việc áp dụng thêm một số thủ tục hành chính nhiêu khê, những quy định bất hợp lý như đã nêu trên khiến cho các DN nản lòng.
Theo Thanh Niên
- 0
- By Admin
- 21/07/2010
- 17