Bất động sản toàn cầu sẽ đón một năm đầy rủi ro?
Chương trình mua trái phiếu lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để kích thích nền kinh tế đã làm dấy lên nỗi lo ngại rằng nó sẽ thổi phồng giá bất động sản. Mỗi tháng FED đã mua 85 tỷ USD trái phiếu để bơm tiền vào hệ thống tài chính của thế giới. Lượng tiền này được sử dụng chủ yếu để đầu tư vào các loại tài sản rủi ro, trong đó có bất động sản.
Theo chỉ số giá nhà toàn cầu của Knight Frank, việc FED bơm tiền vào nền kinh tế góp phần đáng kể làm tăng giá nhà tại một số thị trường mới nổi. Trong năm 2013, giá nhà tại Indonesia tăng 13,5%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 12,5% và Brazil là 11,9%...
Liam Bailey, người đứng đầu về nghiên cứu nhà ở toàn cầu của Knight Frank cho biết một trong những hầu quả ngoài ý muốn của gói kích thích của FED là nguy cơ bong bóng bất động sản toàn cầu. “Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ đồng ý với việc nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp là những yếu tố góp phần vào sự tăng giá nhà gần đây”.
Tuy nhiên, khi hiện tại FED bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu, mối lo ngại về việc cắt giảm này có thể tạo ra những rủi ro mới cho thị trường bất động sản toàn cầu. Trong tháng 12, Chủ tịch FED là ông Ben Bernanke đã khẳng định FED sẽ bắt đầu chậm lại quá trình mua trái phiếu của mình. Điều này ban đầu đã làm giảm bớt những lo lắng về bong bóng bất động sản.
Ảnh: CNBC
Nhưng theo David Hutchings, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực EMEA của Cushman & Wakefield cảnh báo rằng việc FED cắt giảm mua trái phiếu có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bong bóng bất động sản thay vì tác động ngược lại. “Không nghi ngờ gì nữa, các nhà đầu tư sẽ tái phân bổ tiền của họ, một nguy cơ dễ xảy ra là họ bắt đầu đổ tiền quá nhiều vào các thị trường phát triển”.
Jacques Gordon, nhà chiến lược toàn cầu của LaSalle cho biết giảm các biện pháp kích thích kinh tế của FED sẽ làm giảm áp lực về vốn đi vào thị trường bất động sản. “Điều này sẽ cho phép lãi suất quay trở lại ở định mức dài hạn, lãi suất cao làm cho mọi người cảm nhận được rằng giá bất động sản đã phục hồi quá nhanh”.
Nhận thức được sự tăng trưởng quá nhanh, một số chính phủ đã cố gắng chấm dứt tình trạng tăng giá bất động sản quá nhanh. Như trường hợp thị trường bất động sản Dubai, giá nhà đã tăng với con số khổng lồ là 28,5% trong năm 2013, và vẫn trên đà tiếp tục tăng trong năm nay. Để giải quyết tình trạng này, Dubai đã tăng gấp đôi phí chuyển nhượng và áp đặt mức thế chấp cho cả công dân cũng như người nước ngoài. Trong khi đó, Hồng Kông (giá nhà tăng 16,1%), Trung Quốc (tăng 21,6%) và Singapore (tăng 4,6%) đã thực hiện hàng loạt biện pháp để làm dịu giá nhà.
Gordon nói: “Bong bóng bất động sản ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, sự giàu có của hộ gia đình cũng như sự phát triển của một loạt các ngành liên quan. Giá nhà cũng tăng lên mức kỷ lục tại Hồng Kông, Canada và một số thị trường tại Mỹ làm gia tăng mối lo ngại rủi ro cho năm 2014”. Riêng tại Vương quốc Anh, giá nhà đã tăng 5,4% toàn thị trường và tại London là 11,6%, đây được xem là sự tăng trưởng không hợp với quy luật phát triển của toàn bộ nền kinh tế khi chỉ có thị trường bất động sản là tăng trưởng nhanh chóng trong khi hầu như các ngành khác vẫn dậm chân tại chỗ.
- 130
- By Admin
- 21/01/2014
- 17