• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bất động sản tiếp tục chuẩn bị giảm giá

Hai tháng qua, thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM đã liên tục giảm giá, nhiều khu vực khá “nóng” trước đây như quận 2, 7, Nhà Bè... mức giảm trung bình từ 20% đến 30%, thậm chí lên đến 40% so với đầu năm 2008.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia địa ốc, mức giảm này vẫn chưa đến “đáy”. Trong tháng 6-2008, thị trường sẽ đón một đợt giảm giá mới do bị tác động bởi nhiều nguyên nhân.

Giao dịch tê liệt

Hiện giao dịch nhà, đất trên thị trường TPHCM hầu như tê liệt. Khách hàng bắt đầu có dấu hiệu hoảng loạn bởi nhiều nhà đầu tư lớn muốn tháo chạy nên xả hàng ồ ạt.
 
Tại các sàn giao dịch ở những chợ địa ốc đầu mối như Trần Não, Lương Định Của (quận 2); Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)... trong hai tuần qua, lượng giao dịch nhà, đất thấp nhất từ trước đến nay.
 
Ông Nguyễn Châu, giám đốc một công ty môi giới trên địa bàn quận 7, ngán ngẩm: “Cách đây hai tuần, chúng tôi bán 4 căn, tuần rồi chỉ bán một căn, còn tuần này thì... không có căn nào. Tình hình này còn kéo dài, chắc phải cho nhân viên nghỉ dài hạn để giảm chi phí...!”. Nhiều văn phòng giao dịch môi giới BĐS tại quận 2 và 7 đã tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
 
Viễn cảnh thị trường BĐS không mấy sáng sủa đã tác động mạnh đến tâm lý và sức mua của khách hàng. Hiện người có tiền thì đợi giá giảm đến “đáy” mới mua, còn người ôm BĐS lại muốn trút đi “của nợ” càng sớm càng tốt để cắt lỗ.
 
Chính vì thế giá BĐS đã giảm lại càng giảm mạnh hơn. Nếu khi ở đỉnh, dự án Him Lam - Kênh Tẽ (quận 7), là 60 triệu đồng/m2 thì hiện chỉ còn 35 triệu đồng/m2; dự án khu vực xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) từ 18 triệu đồng/m2 bị kéo xuống chỉ còn 8 đến 10 triệu đồng/m2. Nằm trong vòng xoáy giảm giá còn có khá nhiều dự án ở quận 2, 9...
 
Đất nền ở phường Phước Long B (quận 9), từ 16 triệu đồng/m2 nay chỉ cần trả khoảng 8 đến 10 triệu đồng/m2 là tha hồ lựa chọn. Còn ở điểm nóng Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), dù có nhiều thông tin tốt về tiến độ xây dựng đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm... nhưng cũng không kìm nổi tốc độ rớt giá, hiện chỉ có 14 đến 16 triệu đồng/m2.

Tháng 6 sẽ... đổ lửa

Đúng như dự báo của Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), việc các ngân hàng siết chặt tín dụng, tăng lãi suất nguồn vay đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp kinh doanh BĐS, người vay vốn và nhà đầu tư thứ cấp.
 
Chính “liều thuốc” quá mạnh trong chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước để chống lạm phát làm thị trường nhà, đất có nguy cơ “đóng băng” cục bộ. Nếu căn cứ theo số liệu về tốc độ giảm giá của thị trường nhà, đất do Bộ Xây dựng đưa ra trong tháng 4-2008 thì tổng giá trị hàng hóa đã mất từ 15% đến 20%.
 
Chưa hết, việc giao dịch ngưng trệ cũng khiến Nhà nước mất đi những khoản thu cho ngân sách về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thuế chuyển nhượng... Một chuyên gia địa ốc dự báo: TP có khoảng 800 công ty môi giới nhà, đất, nếu tình hình ảm đạm như hiện nay kéo dài thêm vài tháng nữa chắc chắn có khoảng 600 đơn vị phải ngưng hoạt động.
 
Hiện nhiều nhà môi giới địa ốc khá bi quan về khả năng phục hồi sức mua của thị trường bởi lượng khách hàng rao bán tăng rất nhanh và tìm cách đẩy hàng để thoát khỏi thị trường “đóng băng”.
 
Điều lưu ý là vào thời điểm tháng 6-2007, các nhà đầu tư đã chuyển vốn ồ ạt từ thị trường chứng khoán sang thị trường BĐS. Như vậy, tháng 6-2008 sẽ là thời điểm các ngân hàng xem xét lại các khoản vay, còn khách hàng phải đáo hạn.
 
Trước tình cảnh này, nếu còn tiếp tục “ôm” nhà, đất, khách hàng sẽ phải thích ứng với khoản lãi suất 20%/năm, còn nếu bán ra cắt lỗ chắc chắn sẽ khó được giá vì bị ép.
 
 “Do nguồn tiền đầu tư vào thị trường đến 80% là vốn vay ngân hàng nên sức ép sẽ rất lớn. Do đó, trong tháng 6-2008 có thể giá nhà, đất sẽ giảm thêm từ 10% đến 15% so với mức giá hiện nay”- các chuyên gia dự báo.
 

Còn giảm đến đâu?

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, các đợt sốt giá trước đây cho thấy thị trường BĐS tăng, chựng lại, rồi tiếp tục tăng, rất ít trường hợp giảm giá, do đó nhiều người vẫn hy vọng thị trường vẫn theo chu kỳ này. Song thực tế lần này, do nhiều người đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn vay từ ngân hàng nên khi nguồn tín dụng bị siết chặt sẽ không còn cách nào khác là bung hàng để có tiền trả nợ, khiến giá tiếp tục giảm.

Cũng theo ông Châu, nhiều chuyên gia dự báo giá BĐS sẽ còn giảm thêm nhưng khó có thể giảm về mức giá của đầu năm 2007 (thời điểm chưa sốt giá BĐS), bởi hai lý do: giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, trung bình từ 30% đến 100%, thậm chí theo Bộ Xây dựng có những loại vật liệu đã tăng lên 300% so với năm 2007; lạm phát những tháng đầu năm khá cao sẽ tiếp tục đào sâu khoảng cách về mức chênh lệch trước đó.

T.Nguyễn

Theo NLĐ

  • 275
  • By Admin
  • 19/05/2008
  • 17