Bất động sản- thủ phạm gây bất ổn nền kinh tế?
Nhưng sâu tận gốc rễ ngành này là thủ phạm dẫn đến tình trạng mất cân đối trong việc sử dụng vốn.Chuyên gia tài chính đầu tư Đinh Thế Hiển đã nhận định như vậy khi bác bỏ quan điểm cho rằng những biến động của nền kinh tế đã tác động xấu đến thị trường địa ốc.
Ông Hiển cũng cho rằng, địa ốc có thể khởi sắc vào quý II/2012 khi các chính sách kinh tế vĩ mô phát huy tác dụng. Tuy nhiên, giả thiết này không chắc chắn vì lúc đó có thể thị trường bất động sản, đặc biệt là căn hộ đã chuyển sang giai đoạn lượng đổi, chất đổi.
Hiện nay thị trường nhà đất Việt Nam đang dịch chuyển sang giai đoạn mới, thay đổi cả về lượng lẫn về chất. Lượng đổi có nghĩa là hàng hóa dàn trải trên diện rộng với quy mô và số lượng lớn; chất đổi vì các phân khúc nhà ở đang dịch chuyển từ cao cấp sang trung cấp và bình dân và mặt bằng giá cũng chịu nhiều biến động theo xu hướng giảm dần.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển nêu rõ, thị trường căn hộ từ năm 2000 đến nay liên tục tung hàng với số lượng lớn. Bằng chứng là đi từ quận 2, 4, 7, 9, 12 đến các quận Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè... đều thấy các dự án căn hộ mọc lên. Tuy nhiên, thực tế là so với thu nhập trung bình của người dân, khả năng tiêu thụ sản phẩm bất động sản rất thấp.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận định,thị trường căn hộ đang ngủ đông và chỉ có thể thoát khỏi trầm lắng từ cuối quý II năm sau. Lúc này nhà đầu tư thông minh sẽ chuyển sang đầu tư trung và dài hạn.
Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, hiện nay bài toán khủng hoảng vốn của thị trường bất động sản vẫn chưa có lời giải. Các chính sách vĩ mô chống lạm phát muốn tác động đến nhà đầu tư thì phải đến giữa năm 2012 mới có hiệu quả. Trong bối cảnh này, thị trường sẽ không có đột phá gì nhiều từ quý II đến cuối năm.
Từ nay đến quý IV, thị trường bất động sản sẽ diễn ra nhiều cuộc mua bán, thoái vốn, liên kết, chuyển nhượng dự án thậm chí là mua đứt một công ty. Đây là điều cần làm để thanh lọc và củng cố sức khỏe của thị trường bất động sản. Doanh nghiệp phải cân đối lại dòng vốn và dòng sản phẩm đang đầu tư. Liên kết, hợp tác với những đối tác có tiềm lực tài chính dồi dào cũng là một xu hướng tích cực.
Đánh giá xu hướng đầu tư bất động sản, ông Huỳnh Phước Nghĩa nhận định, nhà đầu tư đang có thừa sản phẩm và chia làm hai nhóm. Một nhóm đang ôm hàng nhưng vốn yếu hoặc không có niềm tin vào thị trường có xu hướng bán ra. Ngược lại những nhà đầu tư có vốn mạnh và có tầm nhìn dài hạn, nhiều khả năng sẽ cân nhắc mua vào căn hộ giá rẻ. Điều này có thể dẫn đến kịch bản thị trường xuất hiện làn sóng tăng giá ảo.
Trước tình trạng ỳ ạch của thị trường bất động sản hiện nay, mới đây trong Nghị quyết thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành phải đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển ổn định thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện 5 giải pháp cơ bản như: Kiểm soát dòng vốn hiệu quả, đổi mới các phương thức phát triển nhà ở; xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô; đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay để thị trường bất động sản sôi động là cần chú ý làm tăng tính thanh khoản của các bất động sản. Ngoài việc các doanh nghiệp Bất động sản giảm giá, chính sách khuyến mại và đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng mua bán nhà đất thì họ cũng phải mạnh dạn hợp tác với nhau điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhất là về dự án căn hộ cao cấp. Suốt thời gian qua, các DN có thể nhìn rõ được sức cầu thực chất thông qua việc khuyến mãi, giảm giá căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội nhưng vẫn không bán được hàng.
Về chính sách, Nhà nước cần chú ý tới việc thúc đẩy thị trường bất động sản, quỹ phát triển nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở… Trước mắt, tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách thuế chuyển nhượng bất động sản, tiền sử dụng đất. Rất cần có lộ trình xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô phù hợp, nhưng cũng nên cân nhắc, bởi nếu xóa bỏ ngay lập tức lúc này liệu có ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường nói chung và việc hình thành các quỹ đầu tư nói riêng hay không?
Mặt khác nếu nhìn bất động sản như một ngành sản xuất theo hướng ngành phát triển vật liệu xây dựng, hạ tầng, tạo ra một khu đô thị, một căn hộ để phục vụ người tiêu dùng thì thị trường lại đang tồn tại một vài vấn đề cần giải quyết thỏa đáng. Thứ nhất là hàng “tồn kho” mà Bộ Xây dựng sau khi kiểm tra 18 dự án của Hà Nội cho biết, các chung cư cao tầng có tỉ lệ căn hộ đưa vào sử dụng cao nhất, đạt xấp xỉ 100%, nhà liền kề sử dụng đạt khoảng 80%, còn nhà biệt thự chỉ đạt 58%.
Bên cạnh đó, chủ trương thắt chặt tín dụng bất động sản đang chú ý tới tính phi sản xuất chứ chưa chú ý tới tính sản xuất cho nên đây là một bất lợi cho thị trường nhất là trong thời điểm hiện nay. Cho đến nay, chúng ta chưa có những nghiên cứu cụ thể để phân biệt loại Bất động sản nào là thiết yếu cho từng loại đối tượng mà ưu tiên nguồn vốn cho vay và loại nào là chưa thiết yếu để hạn chế cho vay.
(Theo Tamnhin.net)
- 0
- By Admin
- 27/06/2011
- 17