• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bất động sản hy vọng 'ấm' lên nhờ vốn ngoại

Bất động sản hy vọng 'ấm' lên nhờ vốn ngoại

Tình trạng “sốt nóng” bất ngờ chuyển sang “lạnh” và “đóng băng” của thị trường bất động sản Việt Nam trong quý II/2008 cho thấy sự bất ổn, tiềm ẩn rủi ro của kênh đầu tư này.

Bà Vũ Thị Đào, Trưởng Bản tin Giao thông vận tải và Xây dựng cho rằng, sự mất cân đối trong đầu tư (chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà và căn hộ cao cấp) và tình trạng đầu cơ đẩy giá bất động sản lên quá cao đã khiến giá nhà đất tại các thành phố lớn giảm 40 - 60% so với đầu năm 2008.

Tuy nhiên, theo bà Đào, nhu cầu nhà đất hiện cũng chỉ sụt giảm mạnh ở phân khúc cao cấp (chiếm khoảng 10%). Nhu cầu ở phân khúc dưới vẫn rất cao thì lại thiếu trầm trọng nguồn cung. Do vậy, trong bối cảnh thị trường “đóng băng”, cho thuê đất khu công nghiệp  vẫn rất sôi động.

“Tại TP HCM, hiệu suất cho thuê đất tại các khu công nghiệp đạt gần 100%, giá thuê cũng tăng 20 - 30% so với năm 2007. Cụ thể, giá thuê đất ở khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Tân Tạo 2 vượt trên 100 USD một m2. Các khu công nghiệp khác như Tân Bình, Linh Trung cũng đang ở ngưỡng 65 - 70 USD một m2, còn các khu công nghiệp đang thi công hạ tầng chào giá cho thuê 50 - 60 USD một m2 như Vĩnh Lộc, Tân Phú Trung...”, bà Đào nói.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng, diễn biến của thị trường bất động sản trong nước giai đoạn cuối năm 2008 đẩy nhiều nhà đầu tư vào tình cảnh khó khăn, tác động không thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, ảnh hưởng không tốt tới các thị trường liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, diễn biến này cũng có tác động tích cực là giúp những doanh nghiệp đang đầu tư vào bất động sản quay về với ngành nghề kinh doanh chính của mình. Mặt khác, thị trường trong trạng thái không còn đầu cơ, người lao động bình thường có cơ hội mua được nhà ở.

“Năm nay, nhà đầu tư bất động sản vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn như giá giảm, số lượng giao dịch có phục hồi nhưng không nhiều, đến hạn trả nợ cả vốn và lãi cho ngân hàng”, ông Võ nhận định.

Theo đó, các hợp đồng vay vốn khi không có khả năng trả nợ sẽ bị ngân hàng phát mại tài sản thế chấp - vốn hầu hết là bất động sản. Điều đó khiến nguồn cung trên thị trường tăng lên, nguy cơ giảm giá càng mạnh. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn nếu không có giải pháp tăng vốn tác động từ bên ngoài thị trường.

Khuyến khích nhà đầu tư ngoại vào cuộc

Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, kỳ vọng, cùng với chính sách kích cầu, trong đó nhắm tới lĩnh vực xây dựng, bất động sản của Chính phủ, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng góp phần giúp thị trường chóng hồi phục và phát triển.

Chung quan điểm này, bà Đào dẫn chứng: “FDI đổ vào bất động sản đã tăng chóng mặt, từ 8,5 tỷ USD năm 2007 lên 28 tỷ USD năm 2008. Do vậy, thị trường này về trung và dài hạn vẫn rất khả quan và những ngành đầu tư hấp dẫn là nhà ở, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu thương mại bán lẻ và hạ tầng khu công nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư bất động sản phải thay đổi cách làm là hướng vào số đông, đưa những dự án nhà ở đến với người thực sự có nhu cầu. Bên cạnh đó, áp dụng những công nghệ, vật liệu xây dựng mới nhằm giảm giá thành cũng là giải pháp cần thiết”.

Theo bà Vân, để tiếp tục hút vốn FDI và “vực” thị trường này phát triển lành mạnh, cần phải có những giải pháp đồng bộ như tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; đơn giản tối đa quy trình thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; tháo gỡ những khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng…

“Cần khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư tín thác, các công ty đầu tư để huy động vốn của công chúng và các nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho thị trường bất động sản. Nhà nước cũng cần chủ động hỗ trợ các đối tượng hưởng lương được vay dài hạn để tạo lập nhà ở”, bà Vân kiến nghị.

Theo Báo Đất Việt

  • 0
  • By Admin
  • 03/01/2009
  • 17