Bất động sản hút dòng tiền tiết kiệm từ các ngân hàng
Theo Giám đốc khối khách hàng cá nhân tại một ngân hàng ở Tp.HCM, thời gian gần đây, không ít khách hàng cá nhân đã vay thêm ngân hàng và rút tiền tiết kiệm để mua nhà ở khi mặt bằng lãi suất huy động giảm dần. Tỷ lệ này ở ngân hàng ông đã tăng từ mức 10% cuối năm 2014, lên đến 20% trong những tháng đầu năm 2015. Dấu hiệu trên rất đáng mừng cho ngân hàng trong việc đẩy mạnh vốn cho các cá nhân vay mua nhà.
Vị giám đốc này cho biết, lãi suất trong thời gian tới có thể giảm thêm nhưng nếu giá bất động sản (BĐS) tăng, cơ hội sở hữu nhà ở giá tốt sẽ ít đi. Do đó, đây được coi là thời điểm tốt để cân nhắc mua BĐS. Nhiều khách hàng đã nắm bắt được tình hình này nên rút tiền gửi tiết kiệm ra mua nhà. Những khách hàng này phần lớn là có nhu cầu thực về nhà ở.
Hiện nay, trên thực tế, các kênh đầu tư khác như vàng, gửi tiết kiệm, chứng khoán, USD không còn nhiều hấp dẫn. Vì thế, những người có nhu cầu về nhà ở sẽ tính tới mua nhà ở hoặc chuyển hướng sang BĐS, trong đó thường chú trọng vào đất nền.
Theo thông tin từ một Phó tổng giám đốc của Sacombank, trong 2 tháng đầu năm, nguồn tiết kiệm chảy vào Ngân hàng vẫn tăng trưởng ổn định và đạt hơn 10% so với cuối năm ngoái. Nhưng nhu cầu vốn tín dụng mua nhà cũng tăng, đặc biệt không loại trừ khách hàng đã rút tiền tiết kiệm để mua BĐS.
Hiện nay, các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà ở. Ảnh: Lê Toàn |
Hiện tại, bức tranh chung của thị trường BĐS nước ta tương đối tích cực. Đó chính là cơ hội giúp các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng BĐS. Theo thời gian, nhu cầu thực về nhà ở của khách hàng cá nhân tăng dần lên, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, nhu cầu vay vốn mua nhà ở của khách hàng cá nhân hiện đang có dấu hiệu tăng, đặc biệt là đối với các dự án có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ. Lãnh đạo các nhà băng nhận định, đây sẽ là cơ hội nhằm đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng mua nhà ở trong năm 2015.
Đại diện của Sacombank cho biết, ngân hàng này trong năm qua đã triển khai hơn 5.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu vay mua nhà của cá nhân với mức lãi suất 8%/năm cố định 12 tháng hoặc 6,88%/năm cố định trong 6 tháng trên dư nợ giảm dần.
Tương tự, ông Rahn Wood, Giám đốc Ngân hàng bán lẻ VIB cho hay, sau thời gian ngắn thực hiện gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân có lãi suất 0,68%/tháng (8,16%/năm) với thời gian kéo dài trong 30 tháng, tới nay, VIB đã giải ngân được số tiền 2.000 tỷ đồng. Vì vậy, Ngân hàng đang có kế hoạch nâng tổng hạn mức vốn thêm 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, thị trường BĐS đang đón nhận động thái tích cực từ việc Ngân hàng Nhà nước từng bước nới lỏng đối với hoạt động cho vay BĐS khi tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên 60% và giảm hệ số rủi ro với những khoản khó đòi từ 250% xuống 150%... Để đón đầu xu thế này, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi, giúp cho khách hàng có nhu cầu mua nhà ở nhưng không thể trả được một lúc.
Đơn cử, tại VietA Bank, khách hàng có thể vay gói ưu đãi 500 tỷ đồng mua, sửa chữa nhà ở với mức lãi suất 7,99%/năm cố định 3 tháng đầu tiên. Những tháng tiếp theo, lãi suất điều chỉnh bằng lãi suất huy động 13 tháng (%/năm) + 3,5%/năm.
Theo Phó tổng giám đốc VietA Bank Phạm Linh, trong thời gian tới, chiến lược của Ngân hàng là tập trung tín dụng mua nhà để ở đối với khối khách hàng cá nhân. Do đó, VietA Bank cũng sẽ tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi khác.
VietCapital Bank cho vay lãi suất 7,5%/năm (3 tháng đầu) đối với khách hàng có nhu cầu vay mua nhà ở. VietCapital Bank sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay với biên độ cộng 3,5-4% sau khi hết thời gian hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, lãi vay được tính theo dư nợ giảm dần nên gánh nặng trả nợ của các khách hàng được giảm bớt.
- 0
- By Admin
- 19/03/2015
- 17