Bất động sản du lịch - tiềm năng và thách thức
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, có thêm thông tin, đồng thời định hướng cho việc phát triển những dự án bất động sản du lịch hiệu quả, Phong Cách Doanh Nhân đã tổ chức buổi tọa đàm “Bất động sản du lịch, hướng đi nào cho sự phát triển”.
Buổi tọa đàm được tổ chức tại văn phòng Phong Cách Doanh Nhân số 49 Đinh Công Tráng, P.Tân Định, Q.1, Tp.HCM, với sự tham gia của đại diện các công ty:
Ông Lâm Văn Chúc, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư bất động sản Phúc Đức
Ông Trần Hữu Ủy, Trưởng phòng đầu tư XDCB công ty cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông (Sacom)
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó TGĐ An Phú Long Corporation
Ông Trần Nam Trung, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư đất Đại Việt
Ông Benjamin Poirrier, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển thị trường công ty cổ phần Thế Kỷ Số
Ông Dương Hoàng Anh Nguyên, Tổng Giám đốc điều hành công ty cổ phần Thế Kỷ Số
Ông Phạm Khải, Hội đồng biên tập PCDN, thực hiện phần dẫn đề buổi tọa đàm.
Dự án đầu tư tăng
Ông Phạm Khải: Nói đến bất động sản du lịch (BĐSDL), chúng ta thường quan tâm đến nguồn khách và sự phát triển của du lịch. Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triểm mạnh và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, du lịch và đầu tư tăng mạnh hơn.
Các chế định về mặt đi lại giữa các quốc gia mềm hơn, những quy ước và chính sách đầu tư ở Viêt Nam gần với những quy ước của WTO hơn đã hấp dẫn và thu hút đầu tư cao hơn. Cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa và môi trường Việt Nam cũng là một điểm thu hút khách du lịch quốc tế. Đó là những điều kiện thuận lợi tạo thành sức bật cho BĐSDL phát triển.
Trước tình hình các nhà đầu tư nước ngoài đang ào ạt đầu tư vào thị trường Việt Nam thì vấn đề của các doanh nghiệp BĐSDL Việt Nam quan tâm nhất là làm thế nào để đón đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực này và phát triển trong thời gian tới. Mời các anh chị cùng chia sẻ đóng góp ý kiến.
Ông Lâm Văn Chúc: Những thông tin anh Khải vừa nêu đã nói lên tình hình chung của thị trường BĐSDL những năm gần đây. Thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm lạm phát ước tính khoảng 25%, thâm hụt cán cân thương mại ở mức khoảng 30% và lãi suất cho vay của các ngân hàng trong nước hơn 20%.
Đó là những tín hiệu không hay cho nền kinh tế. Nhưng bất kể những tín hiệu xấu đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra rất lạc quan đối với thị trường Việt Nam. Nước ta là một đất nước có tiềm năng rất lớn về du lịch. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao vẻ đẹp Việt Nam.
Ở Việt Nam có đầy đủ những điều mà du khách muốn khám phá: nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hóa phong phú và đặc sắc, bề dày lịch sử… Theo tôi, trong 15 năm tới, thị trường BĐSDL Việt Nam vẫn còn phát triển tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng: Tiềm năng BĐSDL của Việt Nam là không thể phủ nhận. Nếu ai đã từng du lịch nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì sẽ thấy những thiếu hụt của Việt Nam, thiếu về khách sạn, thiếu về những dịch vụ đi kèm và những quảng bá.
BĐSDL của Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể sánh được với BĐSDL của đảo Bali (Indonesia) cách đây 20 năm. Nhìn những trung tâm, tòa cao ốc với những quy hoạch BĐSDL hợp lý, tôi nghĩ không cớ gì Việt Nam lại không làm được điều đó. Nhưng làm như thế nào và mất bao lâu thì vẫn là những câu hỏi.
Thị trường BĐSDL ở Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Điều này được minh chứng khi chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng và đạt trên 5 tỷ đô la, mức kỷ lục từ trước tới nay, trong đó vốn cho các dự án BĐS chiếm một tỷ trọng lớn.
Nhưng có một vấn đề là khoảng cách giữa số vốn cam kết và vốn thực thi là một khoảng cách dài. Dự án thì vẫn nằm trên giấy tờ và sẽ triển khai trong bao lâu là phụ thuộc cách điều hành của chính phủ cũng như cam kết giải ngân của các doanh nghiệp. Theo tôi, chính phủ phải có cách hỗ trợ và giám sát các doanh nghiệp giải ngân.
Những rào cản cần tháo bỏ
Ông Phạm Khải: Dù còn có những trở ngại về thủ tục pháp lý, từ đầu năm đến nay, những dự án BĐSDL vẫn tiến triển trên các địa điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước, trong đó có dự án Hồ Tràm do Tập đoàn Asia Coast Development (Canada) đầu tư hơn 4,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu căn hộ Raffes Residence tại Đà Nẵng với những căn hộ lên đến cả triệu USD, Khu nghỉ dưỡng, sân golf, căn hộ cho thêu trên điện tích 500 ha tại Bãi Trường, Phú Quốc, 1,6 tỷ USD…
Ông Trần Nam Trung: Hạ tầng giao thông ở Việt Nam nói chung và ở Phú Quốc nói riêng là rào cản là chậm sự phát triểm BĐSDL so với các nước trong khu vực. Là doanh nghiệp đầu tư BĐSDL, tôi luôn mong mỏi các cấp chính quyền đầy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông như đã cam kết nhằm vực dậy tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Ông Lâm Văn Chúc: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế nước ta phát triển chậm so với các nước trong khu vực và đó là do môi trường và pháp lý tác động. Đối với một dự án bất động sản (BĐS), nếu ở Singapore thì từ khi bắt đầu cho đến khi khởi công chỉ trong vòng một tháng, còn ở Việt Nam phải chờ ít nhất là từ 1-2 năm.
Mức lãi suất ngân hàng cao nhất nhì thế giới là rào cản lớn và cộng thêm thủ tục pháp lý kéo dài như vậy, các nhà đầu tư sẽ khó có thể tồn tại và phát triển ngành BĐS trong nhiều năm tới. Đây là vấn đề nhức nhối mà tôi đã từng tham luận tại các buổi tọa đàm với các nhà lãnh đạo của các ngân hàng lớn để tìm ra hướng đi cho ngành BĐS.
Pháp lý là vấn đề tồn tại đã nhiều năm nhưng tài chính hiện nay còn là vấn đề quan trọng hơn nữa. Tài chính quyết định sự tồn vong của những doanh nghiệp đầu tư BĐS. Rất nhiều các doanh nghiệp đang gặp khó khăn với mức lãi suất 21% như hiện nay. Dấu hiệu này cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ bị ảnh hưởng dài dài cho đến năm 2010.
Theo quan điểm của tôi, chính sách của nhà nước trong việc thắt chặt tiền tệ là một điều đúng đắn nhưng cần phải có thời gian chuẩn bị. So với năm 2007 thì việc kinh doanh BĐS ngày nay là hết sức khó khăn đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng: Như anh Chúc đã nói, tình hình BĐS của Việt Nam hiện nay đang khó khăn, nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn do nhiều vấn đề tác động: kinh tế thế giới, chính sách, tiền tệ. Và ngày hôm nay thị trường đang gần như đóng băng, rất khó quay trở lại tốc độ tốt trong vòng 1-2 năm tới. Điều này phụ thuộc nhiều vào thị trường tiền tệ và chính sách BĐS của nhà nước.
Và còn thiếu nhiều bất cập trong thủ tục pháp lý về việc mua bán BĐS dẫn đến sự thiệt hại cho nhà nước về thuế khi các hợp đồng chỉ được giao dịch, chuyển nhượng thông qua chủ đầu tư mà không có sổ đỏ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kém và nghèo nàn cũng ảnh hưởng đến giao thông và đi lại của mọi người. Chính điều đó ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của BĐSDL Việt Nam hiện nay.
Ông Dương Hoàng Anh Nguyên: Công ty của chúng tôi sở hữu chuyên trang địa ốc online (DiaOcOnline.vn) - một kênh thông tin và truyền thông về BĐS trực tuyến.
Đứng ở góc độ của một công ty tư vấn về truyền thông địa ốc, chúng tôi nhận thấy một rủi ro cao khi hầu hết các quyết định mua bán BĐS hiện nay tập trung trên 3 yếu tố chính như sau: tham khảo miệng, tư vấn của “cò” và cuối cùng là từ cảm tính cá nhân.
Hậu quả là nhiều người đã phải trả những cái giá đắt từ tài sản mua được trên cách quyết định này, nhiều khi là mất đến 20-30%, hoặc có trường hợp là đến 70% giá trị tài sản; đó là những số tiền rất lớn.
Đáng nói là họ không dám bỏ ra chi phí, thường là 1-2% giá trị tài sản để tìm kiếm, để được tư vấn những thông tin xác thực hơn (về giá cả, tính pháp lý cũng như thông tin về quy hoạch, hạ tầng xung quanh…) giúp họ đi đến các quyết định hợp lý.
Điểm mà tôi muốn đề cập ở đây là thói quen cũng như sự tin tưởng của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ tư vấn về pháp lý và tài chính một cách chuyên nghiệp, dù rằng trong BĐS, giá trị một hợp đồng không hề nhỏ chút nào. Đối với những doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh BĐS cũng vậy, họ vẫn chưa có thói quen tìm nguồn tư vấn pháp luật từ các công ty chuyên môn nên gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải có một khoảng thời gian nữa để có các chỉ số BĐS tham khảo cho thị trường Việt Nam, cũng như cần thời gian cho sự phát triển chung của ngành thẩm định giá, tư vấn tài chính pháp lý chuyên nghiệp hơn.
Ông Trần Hữu Ủy: Những ý kiến của anh Chúc, anh Thắng đều rất xác đáng. Riêng đối với BĐSDL thì khi nền kinh tế suy thoái dẫn đến chi phí dành cho du lịch giảm và những nhà đầu tư BĐSDL cũng bị tác động. Một vấn đề đáng nói nữa là cách đầu tư của chúng ta là đầu tư theo phong trào, có quá nhiều dự án tương tự nhau được đầu tư ở một địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ của ngành du lịch vẫn còn yếu kém.
Về môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng cũng có rất nhiều bất cập. Tất cả các doanh nghiệp đầu tư các dự án BĐS đều gặp phải vấn đề đền bù giải tỏa. Một dự án nếu đền bù giải tỏa tương đối ổn thì còn có thể nhìn thấy tương lai của dự án, còn nếu không sẽ kéo dài không biết đến bao giờ mới được triển khai.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng là một vấn đề lớn cho BĐSDL phát triển. Với tình hình cơ sở hạ tầng như hiện nay thì việc đi lại giữa các điểm du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn.
Giải pháp nào?
Ông Phạm Khải: Theo thông tin chúng tôi nhận được thì các dự án vẫn gặp khó khăn về thủ tục. Vì vậy, đối với một dự án phải mất rất nhiều thời gian cho thủ tục. Chúng tôi rất mong được nghe ý kiến của các doanh nghiệp về vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng: Nếu có thể, chính phủ và các hiệp hội nên ngồi lại với nhau. Lúc đó, doanh nhân có thể góp ý để chính phủ có thể thay đổi cho chính sách được hợp lý hơn. Phải có kênh tiếp xúc giữa các doanh nghiệp BĐS để cùng ngồi lại chia sẻ, lắng nghe nhau, đưa ra giải pháp và các quan chức ghi nhận lại vấn đề, biến điều đó thành hiện thực.
Ông Lâm Văn Chúc: Hiện tại, tôi là thành viên hiệp hội nhà đất Việt Nam. Sắp tới, hiệp hội sẽ tổ chức những diễn đàn lớn và mời lãnh đạo của các bộ, ban ngành cùng tham gia để họ có thể chia sẻ cũng như ghi nhận những khó khăn của ngành BĐS.
Ông Benjiamin Poirrier
Hiệp hội nhà đất Việt Nam thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo như vậy để kiến nghị với bộ và các cơ quan chức năng để có những giải pháp tháo gỡ cụ thể, nhằm thay đổi tình hình khó khăn của ngành kinh doanh BĐS hiện nay.
Ông Benjamin Poirrier: Tuy còn nhiều thách thức nhưng tôi thấy thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Trong số các du khách quốc tế đến Việt Nam, có rất nhiều du khách đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào BĐS trong lĩnh vực du lịch. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có những cái nhìn rất lạc quan về thị trường này.
Ông Trần Nam Trung: Trong thời đại thông tin hiện nay, theo tôi, phương thức trao đổi ý kiến qua internet sẽ tiết kiệm được thời gian và tiếp thu được nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp nhằm phát triển BĐSDL, nhưng cái khó ở đây là phải có một nhạc trưởng hướng chương trình đi đúng mục đích và các ý kiến góp ý hay phải được các cơ quan chính quyền ghi nhận và sớm triển khai.
Thay mặt Tòa soạn Phong Cách Doanh Nhân, chân thành cảm ơn các ông đã tham gia trong buổi tọa đàm và có những ý kiến rất thực tế về thị trường BĐS hiện nay.
Theo Phong Cách Doanh Nhân
- 0
- By Admin
- 06/09/2008
- 17