• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bất động sản du lịch: Đăng ký nhiều, triển khai ít

Tại Thanh Hóa, tính đến hết tháng 10/2010 đã có 36 dự án loại này được cấp phép, nhưng chỉ có duy nhất một dự án đi vào hoạt động là khu du lịch Vạn Chài của Công ty TNHH An Bình Mai làm chủ đầu tư. Còn lại, có 12 dự án đang đầu tư, 17 dự án đang lập dự án và 6 dự án chưa triển khai.

Đáng chú ý là hầu hết các dự án này đều được lập theo hình thức chủ đầu tư lập dự án trình và UBND tỉnh phê duyệt.

Tại khu du lịch Hải Tiến, từ năm 2004 UBND tỉnh đã giao đất cho 7 doanh nghiệp với diện tích 130 ha nhưng đến nay chưa có dự án nào đi vào hoạt động.

Dự án của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Euro có tổng vốn đầu tư 332 tỷ đồng, được lập từ tháng 3/2004 nhưng đến nay mới hoàn thành đưa vào khai thác hai căn biệt thự và một số hạng mục với tổng vốn đầu tư 31,6 tỷ đồng.

Dự án của Công ty TNHH Thảo Thọ Quyến (Invenco) có tổng vốn đầu tư 331 tỷ đồng cũng được lập từ năm 2004, nhưng cho đến nay cũng chỉ mới hoàn thành mặt bằng và một số hạng mục hạ tầng với tổng vốn đầu tư 22,9 tỷ đồng.

Một dự án khác là dự án của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Hinco) cũng trong tình trạng tương tự. Chủ đầu tư cam kết từ năm 2004 đến năm 2010 sẽ đầu tư 11 nhà nghỉ, 12 khách sạn hai tầng nhưng đến nay chủ đầu tư mới chỉ bỏ ra vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng, chủ yếu cho mặt bằng và một số công trình liên quan.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kinh doanh du lịch của các chủ đầu tư vẫn quá chậm, giá trị thấp.

“Nhiều chủ đầu tư do lập dự án với quy mô lớn nhưng năng lực tài chính có hạn nên mặc dù đã được UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không đủ khả năng thực hiện cả dự án”, trích báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa do ông Ngô Tiến Ngọc, Phó giám đốc sở ký.

Bắc Giang không phải là tỉnh có thế mạnh thật sự về du lịch nghỉ dưỡng nhưng tại đây cũng đã có tới 13 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 682,24 tỷ đồng và 30 triệu USD, diện tích đất đăng ký là 1.000 ha. Trong số này, có 6 dự án khu du lịch sinh thái, 4 dự án khu nghỉ dưỡng và 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng có sân golf.

Tỉnh cũng đã lập và công bố danh mục 4 dự án bất động sản du lịch, trong đó có dự án khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Hồ Cấm Sơn tại huyện Lục Ngạn có vốn đầu tư có thể lên tới 2.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đáng nói là dự án duy nhất đi vào hoạt động là dự án nhà hàng và khu vui chơi giải trí của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn nhưng kết quả rất khiêm tốn. Tổng cộng 3 năm 2008, 2009, 2010, dự án này mới chỉ tạo được doanh thu 6 tỷ đồng, nộp ngân sách 0,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 40 lao động thường xuyên.

Tỉnh Bắc Giang có lẽ nên so sánh kết quả này với con số vốn đăng ký cũng như diện tích đất đai mà các dự án dự kiến triển khai.

Bình Phước và Trà Vinh, các tỉnh vốn được biết đến nhiều hơn bởi trồng cao su và trồng lúa, cũng có tên trên bản đồ bất động sản du lịch khi góp tên 3 dự án loại này tại mỗi tỉnh. Tuy nhiên, chậm triển khai cũng là tình trạng chung của các dự án này.

Nhìn chung, các nhà đầu tư có xu hướng hoàn tất mặt bằng và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xong rồi… để đấy. Một số dự án thì thậm chí không thể hoàn tất việc giải phóng mặt bằng dù đã được cấp phép 5-7 năm nay.

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang tổng hợp thông tin từ các tỉnh thành để chuẩn bị cho một cuộc tổng thanh tra trên diện rộng đối với hàng loạt dự án bất động sản du lịch trên toàn quốc. Song với tình trạng hiện nay tại các tỉnh thành, lực lượng này có thể sẽ khá “mệt” với công tác của mình.

(Theo Vneconomy)

  • 0
  • By Admin
  • 09/12/2010
  • 17