• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bất động sản có thể hưởng lợi từ gói kích cầu

Bất động sản có thể hưởng lợi từ gói kích cầu

Bộ Xây dựng mới đây đề xuất với Chính phủ sử dụng 2.500 tỷ đồng từ kế hoạch kích cầu cho 4-6 dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP HCM. Dự kiến khoảng 60.000 người tại 2 thành phố sẽ được hưởng lợi từ các dự án nhà ở này, với tổng cộng 10.000 căn hộ.
Nguồn vốn cho các dự án, theo Bộ Xây dựng, được trích từ số tiền 1 tỷ USD kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ, và thực hiện trong 2 năm 2009-2010. Để đẩy nhanh các dự án này, dự kiến các cơ chế đặc thù sẽ được áp dụng, như chủ đầu tư được phép chỉ định thầu và tư vấn thiết kế.

Việc bất động sản được kích cầu như thế nào thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia tại hội thảo sáng nay về kinh tế Việt Nam năm 2008 và quan điểm phát triển trong năm 2009 tại Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội. TS. Trần Du Lịch cho rằng, trên thực tế hiện vẫn có nguy cơ lạm phát quay trở lại, song song với việc kinh tế Việt Nam suy giảm. Bất động sản từng trải qua cơn sốt nóng trong các năm 2006-2007, nên cũng cần được để mắt để kích cầu có hiệu quả.

Cuối năm 2006 và sang 2007, Việt Nam lần lượt trải qua 2 cơn sốt chứng khoán và bất động sản, tạo ra một lượng cầu ảo lớn trên các thị trường này.
Trong năm 2008, chứng khoán sụt giảm mạnh, bong bóng nhà đất cũng có nguy cơ vỡ. Theo TS Trần Du Lịch, thực tế bong bóng nhà đất mới tản ra, và đang nằm đâu đó trong nền kinh tế. Nó có nguy cơ gây ra tình trạng tái lạm phát nếu được kích hoạt trở lại.
Dù giá cả đã giảm liên tiếp trong 3 tháng gần đây, dự kiến cả năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ ở mức 21-22%. Thực tế, CPI của Việt Nam trong vài tháng qua xuống mức âm nhờ lực kéo từ các mặt hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ viễn thông giảm mạnh.
Nếu loại trừ các yếu tố này, nhìn chung lạm phát cơ bản hầu như không giảm. Mặt khác, trong năm nay, các nền kinh tế lớn đã bỏ ra hàng nghìn tỷ USD để kích cầu.
Theo giới chuyên gia, lượng tiền lớn như vậy được đồng loạt tung ra, trong khi chính sách của các nước đều có độ trễ nhất định, nên có khả năng đến cuối năm 2009, lạm phát có thể quay lại.
Bất động sản là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, và hiện dư nợ tín dụng bất động sản chiếm trên 50% tổng dư nợ tại Việt Nam. Vì thế, việc "cứu" thị trường địa ốc không chỉ nhắm đến nhà cửa, mà còn nhìn đến hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, ngành nhà đất có liên quan đến không dưới 50 ngành nghề khác của nền kinh tế. Theo PGS. TS. Võ Đại Lược, Tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, kích cầu thị trường bất động sản là việc cần làm, vấn đề chỉ là làm sao không để chủ trương này không mang lại lợi ích cho riêng các đại gia bất động sản, những người "ôm" đất chờ đợi giá tăng trở lại để bán.

Ông cho rằng, dự án xây dựng cơ bản, trong đó có các dự án điện, vẫn cần được hỗ trợ để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế. Trong khi đó, các dự án nhà đất không nhất thiết được rót vốn, mà cần được tạo điều kiện trong qua trình thực hiện, như thay thế cơ chế đấu thầu bằng tăng thẩm quyền trong chỉ định thầu. "Có điều phải nâng cao tính minh bạch để chỉ định thầu thực sự có hiệu quả", ông Võ Đại Lược đề xuất.

Nhiều chuyên gia nhận định, khoản tiền 6 tỷ USD để kích cầu sẽ bao gồm 1 tỷ USD "tiền tươi thóc thật". Phần còn lại sẽ là các khoản giảm, giãn thuế, giảm chi phí tín dụng cho doanh nghiệp. Vì thế, khoản tiền kích cầu cần được sử dụng hiệu quả, vì rất nhiều doanh nghiệp và người lao động đang trông đợi vào kế hoạch này.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển (IDS), trong top 50 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ, không phải mặt hàng nào cũng sụt giảm khi nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Chuyên gia này dẫn chứng dữ liệu cho thấy, tốc độ tăng nhập khẩu 25 mặt hàng có giá thấp vẫn là 11%. Người tiêu dùng Mỹ chỉ hạn chế mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn, còn nhu cầu hàng giá rẻ vẫn cao. "Các ngành hàng giá rẻ vẫn có cơ địa để tăng sản xuất và cần có sự hỗ trợ", ông Huy nói.

Theo VnExpress

  • 0
  • By Admin
  • 25/12/2008
  • 17