Bất động sản cao cấp vẫn còn "cửa" trong trung hạn
Tập đoàn Sông Đà và Bitexco đã khá thành công với tòa nhà The Manor cho dù giá bán của nó xấp xỉ 80 triệu đồng/m2. |
Bất động sản cao cấp vẫn có chỗ đứng trên thị trường nếu nó thật sự... cao cấp và hội đủ 5 yếu tố, từ vị trí đắc địa; thiết kế, chất lượng vật liệu, nguyên liệu, thi công cho đến trang thiết bị sử dụng cũng như chất lượng dịch vụ quản lý sau bán hàng, tức vận hành tòa nhà.
Trong bối cảnh thị trường nhìn chung ảm đạm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn quyết định “chào hàng” dự áncăn hộ hạng sang D’Palais de Louis, nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội). Giá bán đề xuất dự án tối thiểu từ 100 triệu đồng/m2 trở lên. Dự án đã thu hút được sự quan tâm của một số nhà đầu tư.
Còn nhớ vào giữa năm ngoái, khi Công ty Khách sạn dịch vụ Đại Dương hoàn tất việc nhận chuyển nhượng gần như toàn bộ cổ phần của Công ty Kem Tràng Tiền, ngay lập tức lãnh đạo doanh nghiệp này đã tuyên bố trước đại hội cổ đông, rằng sẽ xúc tiến triển khai ngay một tổ hợp văn phòng, nhà ở cao cấp ngay trên khu đất vàng của “Kem Tràng Tiền” với giá chào bán dự kiến khoảng 10.000 USD/m2, tương đương 210 triệu đồng/m2..
Thông tin đó ngay lập tức gây chú ý, dù đối với một số nhà đầu tư quan tâm đến dự án khi ấy, trong tay họ vẫn còn khá nhiều hàng chưa “đẩy” được.
Lý giải cho động thái đó, một số phân tích cho rằng, những người thực sự có khả năng tiếp cận bất động sản cao cấp tại Hà Nội phần lớn đều thuộc thành phần “có điều kiện”. Khi mà thị trường trầm lắng, với những dự án có “cốt cách riêng”, có vị trí đắc địa, tạo dấu ấn trên thị trường thì ngay lập tức sẽ hút được khách hàng.
Còn với chủ đầu tư dự án, sở dĩ họ nung nấu ý định xây tổ hợp siêu sang ngay gần Hồ Gươm, bởi theo lời của một vị lãnh đạo công ty khi đó rằng, “người Hà Nội lắm tiền kinh khủng, người giàu không thiếu”.
Sau đó, doanh nghiệp này đã bắt tay với Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quyết định chi gần 4.000 tỷ đồng chỉ để làm một dự án với hơn 200 căn hộ.
Ngoài hai dự án nói trên, một số dự án cao cấp, có tên tuổi và tạo được uy tín trên thị trường vẫn giữ được tính thanh khoản tốt trong giai đoạn thị trường gặp khó.
Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Doãn Văn Phương đã “mừng ra mặt” trong buổi lễ bàn giao căn hộ chung cư cao cấp cho các khách hàng tại dự án FLC Landmark hồi đầu tháng 2 vừa qua.
Theo ông, việc bàn giao căn hộ không chỉ dừng lại ở việc bán được hàng, mà nó còn cho thấy, chất lượng của dự án này đã được người tiêu dùng chấp nhận, trong khi nhiều dự án khác có giá "mềm" hơn rất nhiều nhưng lại rơi vào tình trạng ế ẩm.
Nói về triển vọng của phân khúc bất động sản cao cấp, ông Peter Reid, Tổng giám đốc Tập đoàn Indochina cho rằng, thanh khoản của phân khúc này có thể gặp khó trong ngắn hạn do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế, song về trung và dài hạn, đặc biệt là tại thị trường Hà Nội, Tp.HCM, bất động sản “xịn” vẫn còn cửa.
“Ngoài nhu cầu về chỗ ở mới thì nhu cầu cải thiện chỗ ở của một bộ phận khá lớn người dân tại các đô thị lớn, có thu nhập cao là tất yếu. Khi thu nhập của họ được cải thiện thì không có lý do gì họ không chọn cho mình một căn hộ tiện nghị, sang trọng để ở, đồng thời khẳng định được đẳng cấp khi của mình khi họ nói với ai đó là họ sống chỗ này, chỗ kia”, ông Peter nói.
Thị trường bất động sản vẫn chưa qua khỏi giai đoạn khó khăn, song điều đó không có nghĩa là cơ hội đã khép hẳn với một vài phân khúc hay dự án được cho là tạo dấu ấn khác biệt.
Trao đổi với VnEconomy, một số chủ đầu tư bất động sản vẫn khẳng định, bất động sản cao cấp, kể cả trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, vẫn có triển vọng tốt. Tuy nhiên, biết thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều đó bởi nó vướng phải một rào cản rất lớn - đồng vốn. Do đó, chỉ có số ít các chủ đầu tư bất động sản cao cấp có tiềm lực về tài chính thực sự, không phải huy động nhiều vốn từ bên ngoài mới có thể hiện được.
(Theo Vneconomy)
- 0
- By Admin
- 01/03/2012
- 17