Bất động sản Việt Nam 2009: Những nốt thăng đáng ghi nhận
Mặc dù không phải là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài từ trước tới nay nhưng năm 2009, thị trường BĐS Việt Nam đã vươn lên hàng thứ hai trong tháp biểu thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 7,6 tỷ USD, chỉ thấp hơn 1,2 tỷ USD so với lĩnh vực hấp dẫn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống.Thị trường chứng khoán năm 2009 cũng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ bởi sắc xanh phủ kín hầu hết các cổ phiếu BĐS tại các phiên giao dịch, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Cổ phiếu BĐS tựa như thỏi nam châm đã “thôi miên” những dòng đầu tư tài chính quay ngược trở lại thị trường chứng khoán, đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư. Sự kiện điển hình là mã cổ phiếu NTL từ điểm đáy vào tháng 2/2009 là 24.620đ/cp đã lên đến 171.000đ/cp vào tháng 11/2009, tăng gần 6 lần. Một số mã khác cũng tăng khá ngoạn mục như LCG tăng 425%, mã SJS tăng 411%...
Vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực BĐS đã có thêm những động thái quan trọng. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, bản dự thảo Luật thuế nhà đất mới do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã được đưa ra Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Dự kiến trong kỳ họp tới, bản dự Luật này sẽ được thông qua, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc quản lý Nhà nước tại lĩnh vực này. Nhiều người hy vọng rằng với bộ luật mới, thị trường BĐS nước nhà trong những năm tới sẽ phát triển lành mạnh hơn, “đỡ thất thường và đỏng đảnh” hơn.
Sau nhiều năm với nhiều quan điểm và nhiều cách triển khai khác nhau cùng nhiều loại giấy tờ có “màu sắc” khác nhau, đến cuối năm 2009, Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chính thức có hiệu lực. Kể từ nay, nhà và đất được thống nhất trong mẫu giấy chứng nhận mới. Người dân sẽ trút được một mớ bòng bong trong những thủ tục hành chính trên thị trường BĐS. Bộ máy quản lý Nhà nước cũng sẽ nhẹ gánh hơn trong việc theo dõi biến động, lưu trữ hồ sơ, tra cứu, đánh giá…về thị trường này.
Văn hóa chung cư được quan tâm và chấn chỉnh cũng là một việc đáng ghi nhận trong năm 2009. Việc Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh kịp thời các trường hợp sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng làm việc là một trong những bước đi cần thiết để dần hình thành một nền nếp văn hóa cần thiết cho các khu chung cư. Mặc dù quyết định này có gây xôn xao dư luận trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng về lâu dài, tất cả các bên liên quan đều nhất trí rằng hai thứ văn hóa chung cư và văn phòng làm việc không thể chung làm một.
Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS trong và ngoài nước thì Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn trên thế giới.
Ông Dương Văn Thành, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam ở Canada, nói: “Tiềm năng đầu tư của người Việt ở nước ngoài là rất lớn bởi hiện số người Việt ở nước ngoài sở hữu từ 0,5 - 1 triệu USD là rất nhiều và hầu hết có mong muốn về nước đầu tư, làm ăn và sinh sống”.
Theo dự báo, các dự án BĐS du lịch trong khoảng từ hai đến ba năm tới sẽ cung cấp khoảng 970 biệt thự và 565 căn hộ ở khu vực phía Bắc, khoảng hơn 1.000 biệt thự và 510 căn hộ ở khu vực miền Trung và khoảng 5.100 biệt thự ở khu vực phía Nam. Theo thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý Nhà nước, khu vực nhà ở xã hội luôn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu…
Chỉ với những thông tin trên cũng đủ phác họa một thị trường BĐS sôi động đầy hứng khởi cho các nhà đầu tư trong năm 2010 và những năm tiếp theo.
Theo Báo Xây Dựng
- 0
- By Admin
- 19/02/2010
- 17