Bất động sản Singapore, Hong Kong 'thảm' nhất châu Á
Những số liệu nghiên cứu đầu tiên cho thấy bất động sản công nghiệp châu Á chịu mức giảm sút lớn nhất, khoảng 95%, tiếp sau là phân khúc văn phòng cho thuê và khu bán lẻ, với mức lần lượt là 89 và 40%.
Hong Kong là nơi tăng nóng khi thị trường tăng, nhưng giảm cũng chóng mặt. Ảnh: Tripadvisor |
Thị trường Singapore tiếp tục lập những kỷ lục xấu về sự giảm sút trong giao dịch, khi ba tháng đầu năm, chỉ có những vụ mua bán nhỏ lẻ. Nhà đầu tư bất động sản ở thị trường này cùng với khách hàng tiềm năng đều thích đứng ngoài cuộc theo dõi và chờ đợi hơn là bỏ tiền. Khối lượng giao dịch ước tính 139 triệu USD, giảm gần 52% so với quý trước và 97,7% so với quý 1 năm 2008. Theo CBRE, lần giao dịch thấp kỷ lục của thị trường Singapore là quý đầu tiên của năm 1998, khi khối lượng giao dịch chỉ 49,28 triệu USD và quý 3 của năm 1998 với mức 110,62 triệu USD.
Tại Hong Kong, những hoạt động mua bán lớn hoàn toàn không xuất hiện khi các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một tín hiệu vui khi số lượng hợp đồng trị giá dưới 100 triệu đôla Hong Kong (gần 13 triệu USD) và nhu cầu nhà ở mới (chưa qua chủ nào) tăng lên đáng kể trong quý 1 của 2009. Điều này cho thấy trong tương lai, giao dịch có thể sẽ sôi động hơn.
Giao dịch bất động sản lớn nhất châu Á trong quý I vừa qua là tại Nhật Bản, với việc mua bán tòa nhà Sogo Department Shinsaibashi tại Osaka, nơi có nhiều không gian dành cho khu bán lẻ, với giá khoảng 384 triệu USD. Thị trường bất động sản khu thương mại tại Nhật Bản và đặc biệt là Hàn Quốc thời gian qua gần như đứng yên. Điều này là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm chung trên lượng giao dịch.
Tại Trung Quốc, lượng giao dịch vẫn thấp. Ở Thái Lan, cũng không có nhiều hoạt động đầu tư khi ngân hàng tiếp tục thắt chặt các điều khoản cho vay. Hai thị trường bất động sản Indonesia và Malaysia hiện khá im ắng, cho dù không suy giảm như những nơi khác trong khu vực. Tương tự, hoạt động đầu tư thị trường bất động sản tại Ấn Độ tiếp tục giảm sút dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
- 204
- By Admin
- 16/05/2009
- 17