• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bất cập trong phòng cháy tại chung cư cao tầng

Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội đã xảy ra vài vụ cháy ở các chung cư cao tầng như vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại tòa nhà 21 tầng, chung cư M3 - M4 ở 91 Nguyễn Chí Thanh, cháy ở căn hộ tầng 12 của tòa nhà 34T khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính… điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy chỉ là hình thức?

Thống kê của cơ quan chức năng TP Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có gần 400 tòa nhà cao từ 7 tầng trở lên và khoảng trên 1.600 tòa nhà dưới 6 tầng.

Thế nhưng, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được coi trọng đúng mức trong nhận thức của nhà đầu tư xây dựng công trình cao tầng. Nhiều chung cư hệ thống PCCC chỉ mang tính hình thức. Ví như, chung cư CT2 Mễ Trì, hộp đựng các thiết bị PCCC trống rỗng, không có bình chữa cháy hay vật dụng gì, khiến cư dân sinh sống ở đây rất lo lắng.

Theo quy định, các chung cư cao tầng bắt buộc phải có hệ thống báo cháy tự động và chữa cháy vách tường tại các tầng, tại bất cứ điểm nào của từng tầng phải có 2 họng chữa cháy tiếp cận trong vòng 3 phút kể từ khi báo động cháy.

Bất cập trong phòng cháy tại chung cư cao tầng | ảnh 1
Nhiều tòa chung cư, hệ thống báo cháy và chữa cháy chỉ để làm cảnh vì không hề có thiết bị nào. Ảnh: Lê Thảo

Ngoài ra, phải có hệ thống tăng áp cho tòa nhà, bao gồm tăng áp cho cầu thang bộ thoát hiểm, ít nhất hai cầu thang bộ thoát hiểm và hút khói cho từng tầng để khi xảy ra cháy, đảm bảo cho người tại khu vực cháy thoát xuống tầng một ra ngoài một cách an toàn.

Thế nhưng, qua khảo sát phần lớn các chung cư đều mắc một số lỗi trong quy định PCCC như: Hệ thống cảnh báo cháy chất lượng kém, đèn chiếu sáng, đèn chỉ dẫn thoát nạn hoạt động không bảo đảm; bình chữa cháy hỏng, quá hạn sử dụng… Vụ cháy lớn xảy ra tại tòa nhà 21 tầng, chung cư M3 - M4 ở 91 Nguyễn Chí Thanh vào ngày 3.2 vừa qua cho thấy, những cư dân sống trong tòa nhà không hề nghe thấy chuông báo cháy nên không biết làm gì.

Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ cháy nổ chung cư cao tầng, lực lượng PCCC gặp rất nhiều khó khăn trong công việc ứng cứu, dập tắt đám cháy. Một phần vì cơ sở hạ tầng giao thông thấp kém, tắc đường, kẹt xe xảy ra liên tục, nhất là giờ cao điểm, phần vì các tòa nhà ngày một cao, khả năng chữa cháy của các lực lượng chức năng không theo kịp, trang thiết bị lỗi thời… Hiện phương tiện xe chữa cháy chỉ đảm bảo cứu hỏa đến độ cao 53m, tương đương tầng 17, nếu cháy ở những tầng cao hơn, việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân chưa có kĩ năng PCCC

Theo một số chuyên gia, chung cư cao tầng là nơi tập trung một số lượng người lớn trên một diện tích đất xây dựng tương đối hẹp, lại ở độ cao nên việc thoát người rất khó khăn, khả năng tiếp cận của các phương tiện cứu hoả, cứu nạn hạn chế. Do đó, nếu xảy ra cháy nổ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn ở nhà thấp tầng.

Bất cập trong phòng cháy tại chung cư cao tầng | ảnh 2
Chung cư cao tầng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Thế nhưng, ý thức của người dân còn chưa cao trong công tác PCCC này. Theo quan sát, tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nơi có mật độ các chung cư cao tầng dày đặc, có những nhánh rẽ vào từ đường Hoàng Đạo Thúy chỉ rộng chừng vài mét lại được cư dân tận dụng mở quán bán hàng hay biến thành những bãi đỗ xe… Do vậy, nếu có xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa tiếp cận tòa nhà là vô cùng khó khăn. Tại nhiều khu nhà, một số người dân thiếu ý thức đã để đồ đạc chắn hết lối thoát hiểm.

Cùng với đó, khi xảy ra sự cố cháy, hầu hết người dân hoảng loạn, mất bình tĩnh, không có kinh nghiệm ứng phó. Nhiều hộ dân ở các tòa nhà cao tầng còn thiếu kiến thức tối thiểu để xử lý tình huống trong các vụ cháy.

Theo khuyến cáo, khi xảy cháy tại các khu dân cư, người dân cần bình tĩnh xử lý sự cố. Người phát hiện ra cháy cần nhấn chuông báo động được thiết kế ở mỗi tầng nhà để báo cho đơn vị quản lý tòa nhà, từ đó báo động toàn bộ các hộ dân trong tòa nhà biết để thoát hiểm. Nếu đám cháy có khói, người dân nên sử dụng khăn ướt bịt miệng và mũi, tìm cách vượt qua đám khói đến đường thoát hiểm gần nhất. Sẽ hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người nếu cư dân nhà cao tầng được học các kỹ năng chống khói độc, chống ngạt đơn giản như dùng khăn, chăn ướt quấn lên người và tuyệt đối không được thoát hiểm bằng thang máy...

(Theo LĐO)


  • 0
  • By Admin
  • 28/03/2012
  • 17