Bất an sống trong chung cư “hết date” chỉ chờ sập
Lâu nay, những mối nguy hiểm đe dọa đời sống của cư dân khu nhà A7 đã hiện hữu, dân cư lo lắng và cầu cứu các cấp có thẩm quyền, rồi một dự án cải tạo lại khu nhà cũng đã được lập ra, tuy nhiên tất cả cũng vẫn chỉ dừng lại ở bước điều tra xã hội học.
Phải tận mắt chứng kiến mới thấy người dân nơi đây đang ngày ngày đối diện với hiểm nguy đe dọa tính mạng họ. Gần 50 hộ dân sinh sống trong khu nhà 5 tầng mà chỉ có duy nhất một cầu thang bộ ở giữa. Qua quan sát cho thấy, từ tầng 1 lên đến tầng 5, ngay cả các chiếu nghỉ cầu thang cũng phải chống đỡ bằng các giàn giáo.
Gần 50 hộ dân đang sống trong khu nhà “hết date”, đa số là người về hưu hoặc trung tuổi. Tiền lương hưu của họ chỉ đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày chứ không thể lo một chỗ ở mới. Khắp các tầng trong khu nhà đều có những cây cột sắt chống đỡ. Nhưng đến thời điểm này thì hệ thống giàn giáo cũng không còn mấy khả quan, các tấm lắp ghép bê tông giữa các khối nhà vẫn tự động tách dần nhau ra tạo thành các khe hở rộng đến gần chục cm, khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải rùng mình sợ hãi.
Ông Nguyễn Quang Gắng, tổ trưởng tổ 15 cho hay, khu nhà này từ lâu đã biến thành “ổ chuột”, xập xệ, mục nát, mà khổ nhất là các hộ dân sống tại tầng 5, vì vào những ngày mưa gió, nước tràn xuống nhà theo các khe nứt chảy theo trần nhà.
Đáng nói, mặc dù các hộ dân nhà A7 đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhiều lần để phản ánh sự xuống cấp và những mối nguy hiểm của khu nhà, đồng thời đề xuất được tạm cư chỗ khác, tuy nhiên vẫn chưa được chấp thuận. Trong khi đó, các khe nứt ngày càng rộng và lan dài ra nhìn như sắp xé rách đôi bức tường. Đồng thời, khu nhà ngày càng có nguy cơ ngả dần ra phía sau và tách khỏi lan can tầng 1 phần cơi nới của các hộ dân tới 10cm.
Thép chống đỡ chằng chịt cả khu nhà |
Ông Nguyễn Quang Gắng chỉ những vết nứt hở rộng ở trần tầng 5 giữa cầu thang và hai hộ 2 bên cho biết, với thực trạng này thì toàn bộ cầu thang và chiếu nghỉ đã tách hoàn toàn khỏi khối nhà và giàn giáo chính là bệ đỡ duy nhất. Tuy nhiên, do quá nặng nên thanh giàn giáo cong và bị chùng hẳn xuống, có thể gãy bất cứ lúc nào. Không chỉ có vậy, toàn bộ hệ thống thoát nước của khu nhà cũng hư hỏng nặng và không còn đảm bảo. Thậm chí, ngay cả những tấm chắn hành lang cũng có nguy cơ rơi xuống bất cứ lúc nào.
Được biết, nhà A7 phường Tân Mai thuộc sự quản lý của Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà số 4 (Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội). Sau nhiều lần khảo sát, công ty đã thông báo người dân hạn chế đi lại trong khu vực nguy hiểm và khu nhà cũng được bổ sung giàn giáo thép chống dỡ, thế nhưng đây chỉ là phương án tạm thời vì cùng với sự xuống cấp của khu nhà, những giàn thép này cũng đang trở nên yếu ớt dần. Đầu năm 2015, Sở Xây dựng đã tổ chức đánh giá lại hiện trạng của khu nhà.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn đánh giá, độ xuống cấp của nhà A7 tập thể Tân Mai là cấp C, như vậy chưa phải cấp nguy hiểm nhất (cấp D), vì thế cũng chưa thuộc diện ưu tiên cải tạo. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sự xuống cấp nghiêm trọng của khu nhà khiến người dân ở đây không thể an tâm sinh sống. Được biết, Sở Xây dựng cũng đã quyết định sẽ ưu tiên triển khai dự án cải tạo và xây dựng lại nhà A7.
Có tiếng là sẽ ưu tiên, vậy mà sau khi UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà và đô thị HUD6 cải tạo khu tập thể cũ nát Tân Mai thành các tòa nhà cao tầng hiện đại vàonăm 2011. Nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa có thoả thuận hay thống nhất phương án với người dân.
Theo dự án cải tạo, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tạm cư với tổng mức bồi thường, hỗ trợ bình quân tạm tính dự kiến lên tới gần 120 tỷ đồng. Theo đó, dự án xây lại nhà A7 Tân Mai bao gồm 2 công trình chung cư cao tầng (CT1 và CT2) với 4 đơn nguyên cao từ 11 đến 28 tầng và 1 nhà trẻ cao 3 tầng trên diện tích hiện là 7 khối nhà A1, A2, A3, A5, A6, A7, A8 thuộc khu tập thể Tân Mai. Còn mức hỗ trợ đối với phần diện tích tái định cư mà các hộ dân không phải trả tiền bằng 1,5 lần diện tích ở hợp pháp cũ nhân với hệ số chuyển tầng K (diện tích bình quân các hộ dân không phải trả tiền = 1,8 lần diện tích cũ)...
Song, chưa nói đến xây dựng lại, thậm chí ngay cả việc đề xuất sửa chữa các lỗi hỏng hóc và đầu tư lại đường ống thoát nước mới trị giá 170 triệu đồng cũng là việc khó khả thi, vì Sở Xây dựng viện dẫn các chính sách, quy định và người dân sẽ phải tự làm.
Các hộ dân ở đây cho biết, với mức thu nhập của họ thì việc mỗi hộ đóng góp vài triệu đồng đã là khó khăn, nhưng nếu bổ theo kinh phí trên thì các gia đình phải đóng hơn 3 triệu đồng/hộ cũng là khoản tiền lớn với họ. Do đó, bất chấp nguy hiểm rình rập từng ngày, từng giờ, các hộ dân vẫn phải chấp nhận sống chung với “tử thần” và chờ đợi mỏi mòn ngày khu nhà được cải tạo và xây dựng lại.
- 176
- By Admin
- 03/10/2015
- 17