“Bảo tồn phố cổ là phải để cho nó sống”
Một góc phố Tạ Hiện (Ảnh: Lê Anh Tuấn)
Là một trong những kiến trúc sư có nhiều năm gắn bó với Hà Nội, bên lề hội thảo Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội diễn ra mới đây tại trường ĐH Xây dựng, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết:
Chúng ta cần phải nhận diện rõ bản sắc của Hà Nội bởi đó là sức hút của thủ đô với thế giới. Nhưng thực tế, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thống nhất được với nhau về việc nhìn nhận các giá trị di sản, chưa biết khâu nối tất cả các di sản đó tạo thành một hệ thống cho thủ đô Hà Nội.
1000 năm lịch sử, Hà Nội còn giữ được những di tích rất phong phú, đặc biệt là phố cổ. Vấn đề khu phố cổ cũng đã được đặt ra từ năm 1990, và tôi là người được thành phố ủy quyền trình bày với tổ chức UNESSCO về giá trị khu phố cổ song rất tiếc là chúng ta triển khai chậm.
Ông có biết lý do vì sao không, thưa ông?
Các nhà nghiên cứu thì rất nhiều, nhưng “cái cầu” giữa nhà nghiên cứu với quản lý, đặc biệt là gắn kết với người dân là chưa làm được. Khoảng năm 2003, 2004, chúng tôi đã đặt vấn đề giãn dân khu phố cổ nhưng không có ai giám sát và đẩy mạnh nó lên cả. Khu phố cổ rất đặc trưng nhưng chúng ta chưa nhìn nhận đúng giá trị.
Chẳng lẽ việc đánh giá về giá trị phố cổ lại khó khăn đến vậy?
Trước đây có ý kiến cho rằng có trên 200 công trình có giá trị trong khu phố cổ nhưng lại có ý kiến khác là chỉ có trên 100 công trình, đến cuộc hội thảo hôm nay chỉ nói là có 60. Như vậy nghiên cứu giá trị phố cổ là giá trị cái gì?
Theo tôi, đó phải là giá trị tổng thể của khu phố cổ trong đô thị Hà Nội, trong cả quá trình phát triển 1.000 năm, sau đó mới đến giá trị cơ cấu trong khu vực này, đến giá trị của ngôi nhà gắn với lối sống của người dân. Trong quá trình bảo tồn cũng phải có vai trò của người dân, nhưng hiện nay người dân tham gia đến đâu thì chưa thấy rõ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo tồn phố cổ thường mâu thuẫn với quyền lợi của người dân. Ông nghĩ sao?
Bảo tồn, gìn giữ cần phải có chính sách, cơ chế. Về vấn đề giãn dân, chúng ta cũng chưa tạo ra cơ chế, không thể san bằng giá của người dân sang các khu mới như khu đô thị Việt Hưng giống như người khác mua mà phải kèm theo giá ưu đãi.
Hay như tôi cũng từng gặp người nói rằng: “Ông bảo ngôi nhà của tôi có giá trị nhưng ông không cho tôi một cơ chế nào thì tôi không tham gia”. Tôi nghĩ là không nhất thiết là phải làm mọi cách để nó trở thành di sản văn hóa thế giới bởi đó là khu phố phong kiến nhưng nó phải sống chứ không phải là cái vỏ bọc đã chết. Như vậy việc gìn giữ lối sống của thị dân và đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định là rất quan trọng.
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng. Theo ông, quy hoạch về phố cổ có cần được quan tâm trong quy chung của Thủ đô không?
Tôi rất lạ là khu phố cổ Hà Nội được nhiều kiến trúc sư nước ngoài quan tâm việc bảo tồn lại không có kết quả vì chúng vẫn được nhìn nhận như một cá thể độc lập, cần phải nhìn nhận đánh giá chúng trong cả quy hoạch của Hà Nội. Chẳng hạn như so với 1.300 làng nghề truyền thống thì thế nào? với làng cổ Đường Lâm, với đình chùa miếu mạo ở đây ra sao? Nếu không đặt trong tầm so sánh vĩ mô mà chỉ thiên về cái riêng thì không thể làm được.
Để có được những bước đi thích hợp trong việc bảo tồn mà không phải hối tiếc sau này, điều quan trọng nhất mà chúng ta cần làm là gì, thưa ông?
Chúng ta đừng vội vì 1.000 năm Thăng Long sắp đến mà phải lắng nghe bài học từ các nước, nhất là những nước có điều kiện kinh tế tương đồng với chúng ta. Cần thấy một điều rằng, không nói đến những nước phát triển như Nhật, Đức, những nước nghèo hơn như Bangladesh tại sao họ lại làm được?
Các nhà chuyên môn cũng phải tỉnh táo. Cách đây 6 năm chúng ta đã đưa ra vấn đề giãn dân nhưng lại không thực hiện. Bây giờ, nếu quy hoạch lại thì cần phải đặt trong tổng thể Hà Nội mở rộng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí
- 0
- By Admin
- 23/03/2009
- 17