Bao nhiêu tuổi được sở hữu đất nông nghiệp?
Tôi đến UBND xã để đăng ký làm sổ chủ quyền đất nhưng cán bộ địa chính nói tôi không đứng tên chủ quyền sở hữu nhà đất được vì tôi còn nhỏ (dưới 30 tuổi) và độc thân (chưa lập gia đình).
Xin hỏi, pháp luật quy định công dân bao nhiêu tuổi thì được sở hữu quyền sử dụng đất? Nếu nói nam, nữ thanh niên phải có gia đình thì mới được sở hữu đất, vậy nếu tôi sống độc thân thì chẳng lẽ suốt đời sẽ không được đứng tên sở hữu đất của mình?
Nếu phải từ 30 tuổi trở lên mới được đứng tên sở hữu đất, vậy từ lúc nam, nữ thành niên trên 18 tuổi đến dưới 30 tuổi dù có đất vẫn không được đứng tên sở hữu?
Nếu cha mẹ cho đất nông nghiệp cho con đứng tên sở hữu thì có bắt buộc tách hộ khẩu mới được đứng tên? Nếu con cái chỉ được đứng tên quyền sử dụng đất khi đã ở riêng thì con trong gia đình nghèo không có nhà riêng để tách khẩu thì sao?
Bên cạnh đó, chính quyền xã có nói, bây giờ bố mẹ tôi phải đứng tên rồi làm giấy tờ cho lại cho tôi. Tại sao tôi không được trực tiếp sở hữu mà phải làm qua hai công đoạn? Trường hợp này có nằm trong điều nào của luật (xin trích dẫn)?
Tôi muốn biết theo pháp luật Việt Nam hiện hành, mỗi người nông dân ở huyện Bắc Binh, tỉnh Bình Thuận được sở hữu tối đa bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp và đất vườn?
Rất mong luật sư giải đáp thắc mắc của tôi và cũng là thắc mắc chung của nhiều người dân khu vực huyện Bắc Bình. Chân thành cám ơn.
Nguyễn Bích Dung (nguyenbichdung2003@... )
- Trả lời:
Theo thư bà hỏi, tôi hiểu rằng thửa đất mà ba mẹ bà nhận chuyển nhượng từ người khác, trước ngày 1-7-2004, có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo khoản 6 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai) nay được UBND dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nếu thửa đất trên do hộ gia đình bà nhận chuyển nhượng thì trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên chủ hộ. Quyền sử dụng đất này là tài sản chung của hộ gia đình (bà cũng có phần trong đó). Việc định đoạt tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý (điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 17/2009/TT-BTNMT, Điều 108, khoản 1 Điều 109 Bộ luật Dân sự).
Sau khi hộ gia đình của bà được cấp giấy chứng nhận, nếu bà muốn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hộ gia đình lập văn bản về việc chia tách quyền sử dụng đất theo thỏa thuận của các thành viên trong hộ (khoản 1 Điều 109, Điều 215 Bộ luật Dân sự, khoản 5 Điều 4 Quyết định 53/2007/QĐ-UBND ngày 26/9/2007 của UBND tỉnh Bình Thuận) (QĐ 53).
Việc chia tách quyền sử dụng đất trong trường hợp này phải đảm bảo diện tích tối thiểu được tách thửa. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 QĐ 53 thì thửa đất được tách và thửa đất còn lại không nhỏ hơn 1.000m2.
Căn cứ khoản 3 Điều 14, Điều 18, Điều 19 Bộ luật Dân sự, người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Do đó, trong trường hợp của bà thì cán bộ địa chính nói vì còn nhỏ (dưới 30 tuổi) và độc thân chưa lập gia đình không đứng tên chủ quyền sở hữu nhà đất, là không đúng.
Trong thư bà cũng đề cập nếu cha mẹ cho đất nông nghiệp cho con đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có bắt buộc phải tách hộ khẩu gia đình? Không có quy định nào của pháp luật quy định về việc bà phải tách hộ khẩu khi được ba mẹ cho đất.
Được sử dụng bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp
Mỗi hộ gia đình, cá nhân có thể được phép sử dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trong hạn mức giao đất và hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tại Khoản 2 Điều 9 Quyết định 93/2006/QĐ-UBND ngày 30-11-2006 của UBND tỉnh Bình Thuận, quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp đối để trồng cây lâu năm như sau:
+ Các xã đồng bằng: Không quá mười (10) ha;
+ Các xã trung du, miền núi: Không quá hai mươi (20) ha.
Tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 1126/2007/NQ-UBTVQH11 ngày 21-6-2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm như sau:
+ Không quá hai mươi (20) ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;
+ Không quá năm mươi (50) ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Thân ái chào bà.
LS HUỲNH VĂN NÔNG
(Theo Tuổi trẻ)
- 230
- By Admin
- 24/11/2010
- 17