Bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư: Cả chủ đầu tư và cư dân đều thờ ơ
Vụ cháy nổ tại nhà chung cư JSC 34 (đường Lê Văn Lương) đã khiến 2 người tử vong |
Bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư: Cần thiết, nhưng không ai mua
Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có tới hàng trăm tòa chung cư cao tầng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, số khu chung cư đã mua bảo hiểm cháy nổ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó, những sự cố liên quan đến cháy nổ với hậu quả khá nghiêm trọng vẫn diễn ra. Gần đây nhất, ngày 18/6 vừa qua, tại một căn hộ thuộc tòa nhà B10A Nam Trung Yên (Cầu Giấy) đã xảy ra hỏa hoạn. Khi thấy khói bốc ra từ căn hộ này, nhiều người dân đã bỏ chạy tán loạn xuống sân.
Do được lực lượng PCCC điều động 3 xe cứu hỏa cùng một xe thang đến hiện trường nên đám cháy đã nhanh chóng được dập tắt, song sự việc vẫn khiến không ít người lo ngại. Tháng 2/2014, hàng chục hộ dân sinh sống tại khu chung cư 11 tầng nằm trên đường Hoàng Đạo Thúy cũng đã chen chúc nhau thoát ra ngoài khi ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại một căn hộ ở tầng 8, sau đó lan rộng ra. Với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, đám cháy đã được khống chế và không có thương vong về người.
Trước đó, phòng kỹ thuật tầng 11 của chung cư CT5B Xa La (Hà Đông, HN) cũng bất ngờ phát hỏa. Đám cháy đã nhanh chóng lan dần lên những tầng trên cao. Do đám xảy cháy vào ngày nghỉ cuối tuần nên hàng trăm cư dân của cả hai tòa nhà CT5A - CT5B đã hốt hoảng bỏ chạy xuống tầng 1, tạo ra cảnh tượng khá hỗn loạn. Nghiêm trọng nhất có thể kể đến vụ hoả hoạn xảy ra tại tòa chung cư JSC 34 (đường Lê Văn Lương) cách đây không lâu. Khi xảy ra, một số người đã bị mắc kẹt trong tòa nhà và chờ giải cứu. Hậu quả là có 2 người bị chết do ngạt khói, thiệt hại về vật chất khá nặng nề.
Tuy vậy, khi được hỏi về bảo hiểm cháy nổ tại nhà chung cư, không ít đơn vị chủ sở hữu, quản lý tòa nhà dù biết nhưng vẫn phớt lờ vì cho rằng các tòa nhà đã được mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần xây dựng (tức là phần khung của toà nhà) nên phần diện tích bên trong khu nhà sẽ do người dân tự mua. Trong khi đó, người dân sống tại chung cư lại tỏ ra khá lơ mơ về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Đức, cư dân người sống tại KĐT Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, tại các khu chung cư, khi hỏa hoạn xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình nên hậu quả rất khó lường. Tuy nhiên, trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ thuộc về đơn vị chủ đầu tư vì tiền bảo hiểm này đã được tính vào giá bán nhà. Hơn nữa, người dân đã phải nộp phí bảo trì, chủ đầu tư có thể trích một phần để mua bảo hiểm cho các căn hộ.
Quy định về bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư đã có nhưng khó xử phạt
Hiện nay, những quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với các khu chung cư đã khá đầy đủ và rõ ràng. Theo đó, cả phần diện tích chung của toà nhà và phần diện tích riêng của từng căn hộ đều thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Danh mục các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đã được quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP thi hành một số điều của Luật PCCC.
Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội cũng nêu rõ, tòa nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m2 trở lên bắt buộc phải tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ. Chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phần sở hữu chung được phân bổ tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.
Luật sư Võ Đình Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý, vận hành nhà chung cư chịu trách nhiệm phân bổ và công bố công khai mức thu và thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư. Theo quy định, với các nhà tập thể, nhà chung cư hoặc trong cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thuê mua, các đối tượng này phải có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc hoặc nộp tiền mua bảo hiểm cháy nổ cho người đại diện quản lý chung cư đó. Ngoài ra, các gia đình cũng có thể lựa chọn mua bảo hiểm cho các tài sản bên trong căn hộ.
Hiện nay, hầu hết các chung cư chưa mua bảo hiểm do đơn vị quản lý cũng như người dân sợ tốn kém, một phần khác là chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc xảy ra các sự cố cháy nổ. Trong khi đó, Nghị định số 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC lại quy định rõ: Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định; Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, đại tá Nguyễn Văn Sơn, PGĐ Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội chi biết, hầu hết các tòa nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa mua bảo hiểm cháy nổ vì họ cho rằng, việc thu phí bảo trì của các hộ dân đã khó, nói gì đến việc bảo hiểm cháy nổ. Hơn nữa, nếu thu sau khi đã bán nhà thì đại đa số người dân sẽ không đồng tình. Các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các vi phạm này. Để tránh xảy ra những sự cố cháy nổ đáng tiếc, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về PCCC, các đơn vị quản lý phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ…
- 0
- By Admin
- 24/08/2015
- 17