• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bản vẽ nhà đất - Giải pháp nào để dân bớt nhiêu khê?

Đây là lời đề nghị của ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế HĐND Tp.HCM trong đợt giám sát cải cách hành chính vừa qua tại nhiều quận – huyện trên địa bàn Tp.HCM.

Bản vẽ nhà đất - Giải pháp nào để dân bớt nhiêu khê? | ảnh 1
Người dân xin cấp giấy chủ quyền nhà tại quận 12.

1.001 lý do phải điều chỉnh

Nhận lại bộ hồ sơ từ cán bộ thụ lý hồ sơ tại quận Bình Tân để chỉnh sửa lại bản vẽ, vẻ mặt buồn bã, ông L.H.Tuấn cho biết, do con trai ông bận đi làm nên ông đi làm hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền thay. Ông nộp hồ sơ từ đầu tháng 3/2012, sau gần 3 tuần được quận yêu cầu điều chỉnh bản vẽ vì diện tích căn nhà thực tế không trùng với bản vẽ.

Không chỉ ông Tuấn, tại quận Bình Tân, nhiều trường hợp khác cũng bị trả hồ sơ để điều chỉnh bản vẽ do nhiều nguyên nhân. Tương tự, bà N.T.M.Hương đến phòng tiếp nhận hồ sơ quận 10 để hỏi về hồ sơ xin cấp phép xây dựng căn nhà 60 m2 thì được một cán bộ tại đây giới thiệu ngay một số địa chỉ của các công ty đo vẽ tư nhân. Do nghe nói việc thực hiện bản vẽ rất khó khăn, bị trả lên trả xuống nên bà đành nghe theo lời chỉ dẫn của cán bộ tại đây cho chắc ăn.

Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều quận – huyện khác, có đến 90% bản vẽ nhà đất bị trả về để người dân chỉnh sửa lại. Có quá nhiều nguyên nhân được đưa ra trong việc yêu cầu điều chỉnh bản vẽ. Đó là đơn vị đo vẽ thực hiện theo hướng dẫn chủ nhà nhưng thông tin này không chính xác; vẽ lố diện tích nhà đất; tường chung nhưng thể hiện tường riêng… Đặc biệt, theo phản ánh, nhiều bản vẽ của người dân bị làm khó nếu như đơn vị thực hiện bản vẽ đó không phải là đơn vị “ruột” của phòng TN-MT địa phương.

Trước thực tế này, một vài quận đã có những cách làm để gỡ khó cho dân. Tại quận Tân Phú, đối với các trường hợp sai sót bản vẽ như diện tích thực tế khác với bản vẽ vì nhà được xây dựng sau hoặc khác với bản đồ địa chính, quận Tân Phú không yêu cầu người dân điều chỉnh lại bản vẽ mà chỉ cần các bên liên quan làm cam kết, có xác nhận của UBND phường nơi nhà đất tọa lạc là không có tranh chấp là đủ. Với sự linh hoạt này, tỷ lệ bản vẽ đạt yêu cầu tại quận Tân Phú lên đến 84%. Ngoài ra, tại quận Tân Phú, trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng được kèm theo bản vẽ mẫu để người dân có thể đưa bản vẽ mẫu này cho các đơn vị đo vẽ thực hiện theo.

Sẽ kiểm tra việc thẩm định bản vẽ

Trong khi đó, tại quận 12, một quận với lượng hồ sơ nhà đất khổng lồ, ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, để giải quyết tình trạng phải chỉnh sửa bản vẽ nhà đất, quận đã thực hiện dịch vụ đo vẽ cho dân trực thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận 12. 5 tháng sau khi quận triển khai dịch vụ này, từ khoảng 90% bản vẽ bị sai sót phải chỉnh lại như trước đây, nay số bản vẽ đạt đã lên đến hơn 85%.

Theo ông Hổ, các bản vẽ do văn phòng thực hiện đa số là chính xác, rất hiếm khi phải đo vẽ lại nên giảm rất nhiều phiền hà cho người dân và cán bộ thụ lý hồ sơ. “Trong hơn 1.500 hồ sơ lĩnh vực nhà, đất và xây dựng nhận từ tháng 10/2011, có đến 1.200 hồ sơ đủ điều kiện về bản vẽ”, ông Trần Ngọc Hổ cho hay.

Còn tại quận 1, từ tháng 4/2012, phòng thực hiện 2 giải pháp giảm phiền hà dân. Thứ nhất là bố trí máy tính riêng tại phòng để tất cả đơn vị tư vấn sử dụng chuyển file bản vẽ cho cán bộ thụ lý tham khảo, đối chiếu với hồ sơ gốc để góp ý cho đơn vị tư vấn chỉnh sửa trước khi người dân nộp chính thức cho phòng. Cách khác, khi người dân nộp bản vẽ, qua kiểm tra thấy có sai sót, phòng sẽ trực tiếp liên hệ đơn vị tư vấn tự điều chỉnh.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT Tp.HCM cho biết, ông có nghe thông tin về việc một số nơi xuất hiện tình trạng công ty đo vẽ độc quyền. Tức là bản vẽ của những đơn vị đo vẽ “ruột” thì rất dễ được chấp nhận, còn bản vẽ của đơn vị khác phải sửa lui sửa tới nhiều lần gây khó khăn cho dân. Ông Kiệt khẳng định, biểu mẫu và quy định về bản vẽ là thống nhất, không có chuyện mỗi nơi làm một kiểu hay đơn vị này vẽ thì chấp nhận, đơn vị khác vẽ lại gây khó khăn.

Sắp tới, Sở TN-MT Tp.HCM sẽ lập 5 đoàn kiểm tra, đến các quận, huyện kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận nhà đất và lập bản đồ địa chính, trong đó có khâu thẩm định bản vẽ.

(Theo SGGP)

  • 126
  • By Admin
  • 03/04/2012
  • 17