• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bán nhà thu nhập thấp: Chính quyền "tù mù", dân "qua mặt"

Qua đây, TP Hà Nội cần có ngay những quy định để bịt các kẽ hở này, tránh phát sinh những trường hợp tương tự.

Chính quyền tù mù

Liên quan tới vụ bà Cao Thị Loan vi phạm quy định bán căn hộ thu nhập thấp số 1702 tại nhà CT1, Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), trong Giấy xác nhận thực trạng nhà ở đề ngày 8-9-2010, UBND phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng), nơi bà Loan có hộ khẩu thường trú đã xác nhận, “gia đình gồm 5 người, hiện chưa có nhà ở thuộc sở hữu chủ hộ”. Trước tình tiết này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã tỏ ra nghi ngờ bởi điều tra của cơ quan công an cho biết, gia đình bà Loan hiện đang cư trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

Bán nhà thu nhập thấp: Chính quyền "tù mù", dân "qua mặt" | ảnh 1
Hàng trăm người xếp hàng mệt mỏi nhưng chỉ có vài chục người may mắn được mua nhà

Làm việc với phóng viên sáng qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Cầu Dền thừa nhận, chính ông là người đã ký giấy xác nhận cho bà Loan. Tuy nhiên, ông Hùng phân trần, việc xác nhận “chưa có nhà ở” là nội dung do Tổ trưởng dân phố (nơi bà Loan có hộ khẩu) viết, ký tên và chịu trách nhiệm, còn UBND phường chỉ xác nhận “bà Loan hiện không có tên kê khai nhà, đất ở tại phường Cầu Dền” (nội dung này lại do cán bộ địa chính phường viết).

Tuy vậy, trên cùng một mặt giấy, việc Chủ tịch UBND phường ký tên đóng dấu dưới 2 nội dung trên dễ khiến người ta hiểu rằng, phường đã xác nhận cùng lúc cả 2 nội dung, tức bao gồm cả việc bà Loan “chưa có nhà ở”. Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Tôi không ký cũng không được nhưng vì không thể nắm hết thực trạng ở của dân nên chỉ dám xác nhận là “không có tên kê khai nhà đất”. Phải nói thêm là mẫu giấy xác nhận dễ gây hiểu lầm chứ làm sao phường biết được là ở nơi tạm trú, dân có nhà riêng hay thuê, ở nhờ...”.

Có nhà lại được...mua nhà!

Tiếp tục xác minh tại nơi bà Loan tạm trú, CAP Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) cho biết, gia đình bà Cao Thị Loan chính thức khai báo đăng ký tạm trú tại ngõ 179/85, tổ 38, phường Vĩnh Hưng từ tháng 10-2009. Trước đó, tháng 7-2009, gia đình bà Loan đã mua thửa đất có nguồn gốc đất nông nghiệp, rộng 44m2 tại địa chỉ trên. Hiện tại, gia đình bà Loan đã xây dựng nhà cấp 4 để ở. Theo giấy mua bán đất viết tay giữa gia đình bà Loan (do con trai bà Loan là anh Hải và vợ đứng tên người mua) và chủ đất cũ, giá trị miếng đất trên, ở thời điểm giao dịch, là 465 triệu đồng.

CAP Vĩnh Hưng cũng xác nhận, từ khi đăng ký tạm trú tại tổ 38, bà Loan vẫn ăn ở thường xuyên tại địa chỉ này. Thêm một thông tin từ cán bộ địa chính phường Cầu Dền, tại địa chỉ số 9/71 Đỗ Thuận - nơi bà Loan có hộ khẩu thường trú, từ năm 2001, gia đình bà đã có nhà thuộc sở hữu được cấp “sổ đỏ”. Vài năm trước, gia đình bà Loan đã bán căn nhà này, chuyển đi nơi khác. Tới nay, căn nhà này cũng đã bán qua 2 đời chủ khác.

Còn những trường hợp “ở nhờ” khác?

Trở lại với dự án CT1, ông Vũ Quang Vinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Đông (Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư) cho biết, tới nay, trong tổng số 328 căn hộ đã bán ở dự án này, mới có 308 hộ nhận bàn giao nhà. Đặc biệt, trong đó, mới có 40% số hộ tới ở, 60% số căn hộ còn lại vẫn khóa cửa bỏ không. Có hàng tá lý do được đưa ra cho việc không tới nhận nhà và không vào ở. Người nói chưa có tiền thanh toán nốt cho công ty, người lại bảo chưa chọn được ngày đẹp, người than không có tiền mua đồ đạc cho căn hộ mới...

Đây là điều không bình thường bởi đã “thu nhập thấp”, lại “không có nhà ở” mà khi có nhà thuộc sở hữu lại “chê”, không buồn dọn tới ở! Rõ ràng, người ta có quyền đặt câu hỏi, trong 184 hộ chưa dọn vào ở, còn có ai không có nhu cầu ở như bà Loan nhưng vẫn đăng ký và được mua nhà, nay đang tính cho người khác vào “ở nhờ”? Ông Vũ Quang Vinh thanh minh: “Các dịch vụ như an ninh, điện, nước, trông giữ xe đều đã có nhưng dân không tới ở thì công ty cũng không biết phải làm sao. Người mua là khách hàng, họ đã trả tiền mua căn hộ, công ty không thể đơn phương vào soát xét hay thắc mắc vì sao họ không dọn tới ở hay cho người khác vào ở căn hộ...”.

Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình lại cho rằng, không thể kéo dài mãi tình trạng như vậy. Ông yêu cầu, chủ đầu tư phải thông báo tới những người mua nhà, chậm nhất tới 15-6-2011, phải tới nhận bàn giao nhà, nếu không sẽ hủy hợp đồng, thu hồi căn hộ. Với những trường hợp chưa vào ở, hiện nay, chưa có chế tài xử lý, do đó, cần khẩn trương bổ sung quy định, sau thời gian 3 tháng, nếu người mua vẫn bỏ hoang căn hộ, chủ đầu tư có thể xem xét hủy hợp đồng.

60% căn hộ vẫn khóa cửa để không

Ông Vũ Quang Vinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Đông (Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư dự án CT1-Ngô Thì Nhậm) cho biết, tới nay, trong tổng số 328 căn hộ đã bán ở dự án nhà thu nhập thấp CT-1 Ngô Thì Nhậm, mới có 308 hộ nhận bàn giao nhà. Đặc biệt, trong đó mới có 40% số hộ tới ở, 60% số căn hộ còn lại vẫn khóa cửa bỏ không. Công ty có gọi điện thoại đốc thúc người dân đến ở song người ta đưa ra hàng trăm lý do. Người nói chưa chọn được ngày đẹp, người lại bảo chưa có tiền mua đồ đạc ở căn hộ mới... Thậm chí, có hộ đã thay toàn bộ khóa cửa mới. Quan hệ giữa công ty và người mua là quan hệ khách hàng và họ đã trả tiền mua căn hộ, công ty không thể đơn phương vào kiểm tra. Trong quy định cũng không có điều khoản ấn định thời hạn người mua nhà phải dọn đến ở - ông Vinh nói.

Trước thông tin này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho rằng, chủ trương xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp là chủ trương mới mà dự án CT1 - Ngô Thì Nhậm là dự án đầu tiên cơ chế chính sách được đưa vào vận hành, do đó khó tránh được thiếu sót, bất cập. Vấn đề là cơ quan quản lý cần rà soát, nhận ra thiếu sót để bổ sung, sửa đổi kịp thời. Với những trường hợp nhận nhà nhưng khóa cửa chưa vào ở, Phó Chủ tịch yêu cầu khẩn trương bổ sung quy định, sau thời gian 3 tháng, nếu người mua vẫn bỏ không căn hộ, chủ đầu tư có thể xem xét hủy hợp đồng. Với 20 hộ đã ký hợp đồng mua nhưng chưa nhận bàn giao nhà, ông Bình yêu cầu, chủ đầu tư thông báo tới những người mua nhà, chậm nhất ngày 15-6 phải tới nhận bàn giao, nếu không sẽ hủy hợp đồng, thu hồi căn hộ. Không thể để xảy ra tình trạng như vậy ở những dự án khác - Phó Chủ tịch Phí Thái Bình nhấn mạnh.

Liên quan đến việc xác nhận thực trạng nhà ở, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Sở Xây dựng đã đề nghị thành phố, đối với các trường hợp tạm trú, khi lập hồ sơ mua nhà, phải xác nhận tình trạng nhà ở tại nơi tạm trú và tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

(Theo ANTĐ)


  • 115
  • By Admin
  • 20/05/2011
  • 17