Bán "nhà dưới giá gốc" có phải sự thật?
“Nhà dưới giá gốc” chưa chắc đã rẻ, vì ban đầu chủ đầu tư đã đưa ra giá quá cao. Hoặc chủ đầu tư đưa ra nhiều giá ở nhiều thời điểm khác nhau, nên giá nào cũng là… giá gốc.
Bà Minh Khánh, một nhà buôn tạp hóa ở quận Tân Bình TP.HCM, đã mua căn hộ chung cư BMC Hưng Long (quận 7, TP.HCM) khi thấy rao bán “dưới giá gốc 100 triệu đồng”. Thế nhưng chỉ 2 tuần sau đó, một căn hộ khác cũng giá trị tương đương cũng đã rao bán “dưới giá gốc” 200 triệu đồng! Bà Khánh tiếc hùi hụi.
Một cảnh tranh giành mua căn hộ cao cấp. Trong số này có mấy người có nhu cầu mua nhà để ở thực sự? Ảnh: Đặng Vỹ |
Một căn hộ, nhiều giá… gốc!
Một lời rao bán nhà trên mạng: “Căn hộ The Vista, giá gốc 3.200USD/m2, chấp nhận bán dưới giá gốc, chỉ 2.500USD/m2”. Người không có thông tin cứ tưởng là giá đã quá thấp.
Thực tế, giá khởi điểm của căn hộ The Vista chỉ 1.600 - 2.200 USD/m2, nhưng thời điểm sốt, chủ đầu tư đã đưa lên giá 2.800 - 3.100 USD/m2. Như vậy giá của căn hộ The Vista chưa phải là dưới giá gốc như lời rao bán. Trong khi đó, ở giá khởi điểm, đầu tư đưa ra đã có lãi.
Tương tự như vậy, hiện nay đang có rất nhiều căn hộ chung cư đang rao bán “dưới giá gốc”, nhưng thực chất giá vẫn chưa xuống đến “gốc”. Một chung cư có tên là “View” ở quận 2, ban đầu công ty đưa ra giá 1.200 USD/m2. Nhưng sau đó khi cơn sốt địa ốc tăng cao, chủ đầu tư nâng lên 2.200 USD và cuối cùng là 2.700 USD/m2. Vì vậy, dù hiện tại giá căn hộ này còn 1.500 USD/m2, vẫn không thể nào cho là “dưới giá gốc”.
Chính sự lập lờ này nếu người mua không truy vấn thông tin kỹ, có thể bị mua hớ với giá cao. Vì trong bản hợp đồng do chủ đầu tư bán ra, giá “gốc” là giá cuối cùng, cao nhất vào thời điểm sốt giá, còn giá đầu tiên lại không thể hiện. Vì vậy, người mua cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về căn hộ này trước kia. Nếu nhìn vào hồ sơ hợp đồng, rất dễ mắc bẫy “giá gốc”.
Thời điểm sốt, cứ chạm vào nhà đất là có lãi. Nay phải bán dưới giá gốc nhưng không có người mua. Ảnh: Đặng Vỹ |
“Dưới giá gốc” cũng chưa chắc đã rẻ!
Tại thời điểm sốt đầu năm 2008, TGĐ một công ty địa ốc thuộc vào hàng đại gia, cho biết các căn hộ cao cấp bán với giá 1.000 USD/m2 đã có lãi. Vậy nên với những căn hộ giá từ 1.500 USD trở lên vài ngàn USD/m2, nhà đầu tư đã có lãi lớn.
Căn hộ Sunview ở Thủ Đức là một trường hợp. Giá khởi điểm chủ đầu tư đưa ra trước đây là 22 triệu/m2. Nay một người tên Minh rao bán giá 17 triệu/m2, cho biết đây là giá nhà đầu tư tự giảm xuống.
Điều đó cho thấy dù có những căn hộ bán dưới giá gốc chưa chắc đã rẻ, bởi ngay từ đầu chủ đầu tư đã đưa ra giá bán quá cao so với giá thành.
Đó là lý giải tại sao vào thời điểm đó, giá cổ phiếu BĐS trở nên có giá, đến mức dù thị trường đang xuống dốc, giá cổ phiếu của ngành này vẫn lội ngược dòng đi lên.
Trong cơn sốt BĐS cuối 2007 đầu 2008, giới đầu cơ chỉ cần bán cái “quyền mua” căn hộ là đã kiếm được dăm bảy hoặc vài chục ngàn USD. Khoản “quyền mua” này hạch toán vào giá, đã đẩy giá căn hộ lên cao.
Vậy nên, nói “dưới giá gốc” ngỡ đã quá rẻ, nhưng thực chất với mức giảm này, giá nhà vẫn còn khá cao so với giá thành và người thu nhập khiêm tốn vẫn không thể nào mơ tới.
Nhà nhỏ, giá thấp vẫn là nhu cầu lớn
Ngọc Toàn, một nhân viên công ty sản xuất lắp ráp ôtô, cho biết anh mãn nguyện khi vừa mua được căn hộ 65m2 với giá 600 triệu đồng. “Hồi nhà đất đang sốt, số tiền này đừng có mà mơ được một chỗ ở”, anh nói.
Trên thực tế nhu cầu ở nhà cao cấp không nhiều. Bằng chứng là hiện nay người ta rao bán hàng loạt căn hộ, vừa hạ giá, vừa tặng luôn cả trang thiết bị bên trong trị giá hàng vài trăm triệu đồng. Vậy mà cũng chẳng có người mua.
Tại một khảo sát của một công ty trong ngành địa ốc, khi được hỏi chọn loại căn hộ nào để ở thì chỉ có 9% chọn căn hộ cao cấp. Như vậy chứng tỏ có đến 91% có nhu cầu mua nhà đất giá thấp, trung bình.
Vì vậy mà mặc dù giá căn hộ cao cấp giảm mạnh, nhưng giá các căn hộ và nhà nhỏ 50 - 70m2, có giá dăm bảy trăm triệu đồng, vẫn rất ít rớt giá, và vẫn có người mua. Khảo sát của công ty CBRE, 6 tháng đầu năm có 2.350 căn hộ loại trung bình được bán ra, bằng 1/5 so với cả năm 2007.
Những ngày qua, dù trong giai đoạn đóng băng, khó khăn nhất của thị trường BĐS, trong câu chuyện của người dân TP.HCM vẫn luôn luôn nhắc tới nhà ở. Ngôi nhà, chỗ ở vẫn là nỗi khát khao đầu tiên và cháy bỏng của những cư dân có thu nhập không cao ở đô thị giàu có bậc nhất nước này.
Theo Vietnamnet
- 0
- By Admin
- 08/12/2008
- 17