Ban hành quy định mới về bồi thường, tái định cư
Đây cũng chính là thời điểm mà Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có hiệu lực thi hành.Với Thủ đô Hà Nội, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp lớn gấp nhiều tỉnh, thành khác. Trước khi Hà Nội mở rộng (8/2008), từ đầu năm 2008, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hầu như ngừng trệ trên địa bàn Hà Nội, Hà Tây, Mê Linh và 4 xã của Hòa Bình trong địa giới Hà Nội mở rộng, do chờ đợi cơ chế, chính sách của thành phố. Trước yêu cầu bức xúc về đầu tư phát triển thành phố với trên 900 dự án có quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm hoàn thành trước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc thành phố ban hành kịp thời chính sách mới theo thẩm quyền phù hợp với thời điểm Nghị định 69/CP có hiệu lực là một cố gắng lớn.
Xác định giá đất, giá tiền sử dụng đất sát giá chuyển nhượng QSD đất thực tế
Điểm mới của chính sách là trong trường hợp thời điểm quyết định thu hồi đất, mức giá đã ban hành chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp huyện đề xuất, báo cáo Sở Tài chính chủ trì xem xét, báo cáo UBND thành phố để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp. UBND thành phố quyết định điều chỉnh mức giá đất theo thẩm quyền, không phụ thuộc vào khung giá đất theo Chính phủ quy định.
Giá đất ở trung bình khu vực có đất bị thu hồi theo quy định trong Bảng giá đất của địa phương được áp dụng bằng mức giá đất ở theo vị trí 3 của đường phố có tên, trục đường giao thông, đầu mối... hoặc giá đất ở khu dân cư liền kề.
Hỗ trợ tối đa 70% giá đất ở liền kề
Theo Nghị định 69/CP, mức hỗ trợ đất vườn ao liền kề, đất nông nghiệp trong địa giới phường, thị trấn, khu dân cư nông thôn bằng 30-70% giá đất liền kề. Hà Nội quy định mức hỗ trợ này theo nguyên tắc mức tối đa 70% giá đất liền kề.
Đối với đất nông nghiệp, vườn ao trong cùng một thửa đất có nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư; trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ; trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông, có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định, khi Nhà nước thu hồi, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 70% giá đất ở (Quyết định 18/2008/QĐ-UBND quy định mức 50%) nếu hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 15/10/1993 và bằng 40% giá đất ở (Quyết định 18/2008/QĐ-UBND quy định mức 30%) trong cùng thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở không có giấy tờ từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004, sử dụng ổn định, không có tranh chấp.
Đối với đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định, khi Nhà nước thu hồi, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định trong Bảng giá đất của địa phương (Quyết định 18/2008/QĐ-UB quy định mức 20% - Nghị định 69/CP quy định mức 20-50%).
Diện tích hỗ trợ là diện tích thực tế bị thu hồi nhưng tối đa không quá 5 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương. Các trường hợp này không được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm (quy định tại Điều 22 Nghị định 69/CP).
Thành phố tiếp tục phân cấp toàn diện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng cho UBND cấp huyện, tổ chức thực hiện trên cơ sở cơ chế chính sách và trình tự thủ tục do UBND thành phố quy định. Thực tiễn một năm qua cho thấy việc phân cấp toàn diện cho cấp huyện thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khẳng định là thiết thực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động cho UBND cấp huyện, cải cách hành chính...
Theo Bộ TNMT
- 158
- By Admin
- 01/10/2009
- 17