Ban hành danh mục phố cổ, làng cổ ưu tiên bảo tồn ở Hà Nội
Theo đó, Nghị quyết của HĐND TP xác định danh mục:
- Phố cổ gồm 79 phố (tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm);
- Làng cổ Đường Lâm (gồm các thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng, Đoài Giáp và khu vực phụ cận là các thôn Phụ Khang, Hưng Thịnh, Văn Miếu, Hà Tân, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây);
- 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu (làng Sơn Khảm thôn Ngọ, làng Sơn Mài Hạ Thái, làng Mây tre đan thôn Phú Vinh, làng nghề Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, làng nghề Gỗ mỹ nghệ Thiết Úng);
- 1.253 biệt thự cũ chia thành 3 nhóm gồm: 225 biệt thự nhóm 1, 383 biệt thự nhóm 2 và 645 biệt thự nhóm 3;
- 137 công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954, trong đó nhóm 1 có 41 công trình, nhóm 2 có 43 công trình và nhóm 3 có 53 công trình;
- 2 di sản văn hóa phi vật thể gồm Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (huyện Sóc Sơn, Gia Lâm), Hát Ca trù (quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông, các huyện Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng).
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết để lập được danh mục kể trên, UBND Thành phố đã tiến hành xây dựng các bộ tiêu chí. Theo đó:
Tiêu chí về phố cổ: là thành phần đô thị có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển của nghệ thuật kiến trúc, lịch sử văn hóa được hình thành từ 100 năm trở lên; trên tuyến phố có nhiều công trình nhà cổ, di tích có giá trị; là các phố được xếp hạng hoặc nằm trong khu vực được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Làng cổ Đường Lâm được công nhận là làng cổ duy nhất của Hà Nội tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, gần đây làng cổ Đường Lâm cũng là nơi người dân bức xúc giữa việc bảo tồn và phát triển khiến Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phải về đối thoại với người dân |
Tiêu chí làng cổ: là làng được hình thành từ 300 năm trở lên, có tên thường gọi và tên Nôm; làng đến nay còn lưu giữ lại các thành tố vật chất thuộc kiến trúc cơ bản của làng như cảnh quan môi trường, cây cổ thụ, cổng làng, giếng làng, đường làng, ngõ xóm, các di tích lịch sử văn hóa, các công trình công cộng khác, nhà ở dân dụng truyền thống trong đó có nhiều nhà cổ có giá trị; làng hiện vẫn đang bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như nghề truyền thống tiêu biểu, lễ hội với những tục hèm đặc sắc, hương ước, gia phả các dòng họ, phong tục tập quán truyền thống; làng có đặc trưng tiêu biểu về cấu trúc hoặc về vật liệu xây dựng.
Tiêu chí làng nghề truyền thống tiêu biểu: là làng nghề truyền thống đã được xét công nhận danh liệu, và có thêm các tiêu chí sau: làng nghề truyền thống phải có thời gian ít nhất từ 300 năm trở lên, nhiều đời người làm nghề, cha truyền con nối; làng nghề có nhà thời tổ nghề, có hương ước với những quy định liên quan đến việc truyền nghề, làm nghề; có các nghệ nhân được công nhận và các sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, tiêu biểu, có giá trị văn hóa truyền thống và các giá trị kinh tế; làng nghề có lễ hội truyền thống hoặc lễ hội dân gian về nghề.
Tiêu chí biệt thự cũ: là những biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 và có đầy đủ các tiêu chí sau: có giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị (15 điểm); có giá trị về nghệ thuật kiến trúc (35 điểm); có giá trị về quy hoạch, cảnh quan đô thị (20 điểm); có tính nguyên bản (20 điểm); công năng, sở hữu (10 điểm). Căn cứ tiêu chí bảo tồn, tôn tạo, biệt thự được phân thành 3 nhóm: biệt thự nhóm 1 (trên 70 điểm đến 100 điểm); biệt thự nhóm 2 (từ 50 điểm đến 69 điểm); biệt thự nhóm 3 (dưới 50 điểm).
- 160
- By Admin
- 05/12/2013
- 17