Ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng
Theo đó, UBND tỉnh phải báo cáo tình hình và tiến độ thực hiện việc hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng 3 tháng một lần về Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT.
Cả nước hiện có khoảng 71.250 hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc bị hư hỏng nặng, trong đó có khoảng 70% số hộ cần phải hỗ trợ xây dựng mới nhà ở, khoảng 30% số hộ cần phải sửa chữa lớn nhà ở. Theo Thông tư, UBND tỉnh phải báo cáo kết quả thực hiện việc hỗ trợ trong năm 2013 về các Bộ và khi kết thúc Chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
|
Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao điều kiện nhà ở của người có công với cách mạng. Việc hỗ trợ người có công với cách mạng xây dựng mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở phải bảo đảm yêu cầu như: Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (nếu là những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng.
Những đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 22 phải đáp ứng các điều kiện: Là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng LĐ – TB&XH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý tại thời điểm Quyết định số 22 có hiệu lực thi hành; Đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15/6/2013 tại nhà ở mà nhà ở đó có một trong các điều kiện như nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới. Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà.
Trường hợp danh sách người có công với cách mạng được hỗ trợ theo Đề án nhiều hơn số lượng mà UBND cấp tỉnh đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì số lượng hỗ trợ trong năm 2013 được lập theo thứ tự ưu tiên sau: Hộ gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng; hộ gia đình mà người có công cao tuổi; là dân tộc thiểu số; có hoàn cảnh khó khăn; thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.
Đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ mà đang ở tại khu vực thường xuyên bị ngập lụt có mức ngập cao từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà thuộc 14 tỉnh, (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), khi được hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở thì UBND cấp xã vận động để các hộ gia đình xây dựng một diện tích sàn tránh lũ, có diện tích tối thiểu 10m2 và có độ cao vượt mức ngập thường xuyên.
Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này. Khi hoàn thành xây dựng phần nền móng và khung - tường nhà ở thì phải lập biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn và khi hoàn thiện toàn bộ nhà ở thì phải lập biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng.
- 260
- By Admin
- 09/07/2013
- 17