• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bán đất lúa non: “Lỗ hổng” lớn gây tham nhũng, thất thoát

GS. TSKH Đặng Hùng Võ tại diễn đàn "Doanh nghiệp và phát triển"

GS.TS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, hợp đồng hợp tác kinh doanh ở 21 Lê Văn Lương là trái pháp luật, cần tuyên vô hiệu để bảo vệ tài sản của Nhà nước.

PV: Thưa Giáo sư, nhìn từ góc độ các quy định của pháp luật về đất đai thì việc Tổng công ty Thành An mang hơn 14.000 m2 đất vàng đi “bán lúa non” có những sai trái, bất cập gì đáng cảnh báo?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Để hợp tác kinh doanh, có thể người ta thường góp vốn bằng quyền sử dụng đất, đây cũng là vấn đề theo quy định của pháp luật có biến đổi theo thời gian. Bắt đầu từ năm 1994 thực hiện công  nghiệp hoá, hiện đai hoá cho đến năm 1998 thì lúc đó Nhà nước cho phép một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước có thể dùng quyền sử dụng đất của mình, thậm chí đang là đất thuê của Nhà nước để góp vốn bởi vì lúc đó các doanh nghiệp Việt Nam thường không có nguồn lực tài chính nên cho phép dùng đất, kể cả đất thuê của Nhà nước, không phải của mình thì cũng được phép dùng để góp vốn.

Hình thức góp vốn đó thường chỉ xảy ra ở giai đoạn đầu, vào lúc các doanh nghiệp Nhà nước đang rất thiếu vốn và được biến phần góp vốn đó cho phía Việt Nam khi liên doanh với nước ngoài. Lúc đó doanh nghiệp trong nước không có vốn  nhưng cho tới nay việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì vẫn được thừa nhận nhưng chỉ được thừa nhận khi đất đó là đất được nhà nước giao hoặc khi đất đó là đất mình nhận chuyển nhượng của người khác.

Về nguyên tắc, việc góp vốn đó được quy định: Giá trị quyền sử dụng đất phải được tính theo giá thị trường. Nhưng như thế nào là giá thị trường thì pháp luật lại chưa quy định. Do đó mới xảy ra tranh cãi nhau. Cũng như việc bồi thường giải phóng mặt bằng thì UBND tỉnh quy định giá đất để bồi thường và đây được coi là giá thị trường nhưng những người dân được nhận bồi thường thì thường không chấp nhận mức này.

Trong trường hợp Tổng công ty Thành An, chúng ta thấy có một “lỗ hổng” rất lớn của pháp luật  vì không có quy trình định giá và hiện nay thì hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào một liên doanh bất kỳ nào đó đều là hình thức hợp pháp. Chỉ có điều, chúng ta xác định giá đất như thế nào thì đó chính là lỗ hổng,  chưa có quy trình để xác định giá thị trường. Vấn đề nằm ở đó và đó chính là lỗ hổng để gây tham nhũng, thất thoát.

Những người được nhận giao đất của Nhà nước với giá trị thấp nhưng rồi lại đưa vào một liên doanh với một giá trị tương tự như vậy, giá trị thì đứng phía sau mới là giá trị thật. Tức là đã đưa một phần vào tham nhũng vào túi riêng của những người lãnh đạo công ty đó, chứ không phải là giá trị thật được phơi trên hợp đồng. Đây chính là khó khăn lớn nhất hiện nay.

PV: Vụ việc ở Tổng công ty Thành An không phải là hoạt động liên doanh liên kết với nước ngoài mà với doanh nghiệp trong nước, vậy GS nhìn nhận thế nào về những thiệt hại cho Nhà nước?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Điều quan trọng tôi muốn nói là hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng nguồn lợi từ đất để biến thành giá trị, để góp vốn đã không còn ý nghĩa nhiều, không cần phải dùng đất để thay thế. Chính vì vậy, việc góp vốn đang tập trung vào việc các hộ gia đình cá nhân có đất manh mún, diện tích nhỏ thì lúc này khuyến khích việc góp vốn bằng đất để tạo những diện tích lớn, tạo khả năng kinh doanh mang tính thương mại thì mới có ý nghĩa.

Chủ trương của Nhà nước giao cho người có đất và làm tăng giá trị sử dụng bằng biện pháp đầu tư trên đất chứ không phải giao để đi góp vốn. Giao đất để đi góp vốn là câu chuyện của những năm 1998 trở về trước, không phải là câu chuyện của ngày hôm nay. Nếu ngày hôm nay vẫn còn dùng cái đó tôi cho rằng về ý nghĩa kinh tế là sai.

Cơ quan quản lý đang sai và Tổng công ty Thành An là người tận dụng kẽ hở của pháp luật để làm những việc có thể nói là khuất tất về kinh tế. Bởi vì, công ty biết thừa rằng giá trị thực tế của đất rất cao nhưng lại đi ký hợp đồng góp vốn với giá trị thấp thì về logic pháp luật phải thấy là có một sự chênh lệch nào đó cho cá nhân.

Vậy là, trên hợp đồng chỉ thể hiện giá trị thấp và phải phần mà ai cũng biết là phần nằm ở ngoài cái hợp đồng này. Vấn đề ở đây lỗi là thuộc các cơ quan quản lý không lấp được lỗ hổng pháp luật này, để tạo ra các cơ chế có  cơ hội cho tham nhũng.

PV: Theo GS, việc Tổng công ty Thành An liên tục nợ nần về tài chính, khu đất 21 Lê Văn Lương lại đang thế chấp ngân hàng nhưng vẫn mang hợp tác đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng vẫn triển khai... là đúng hay sai?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Về nguyên tắc phải giao cho một nhà đầu tư có đủ năng lực, nhưng đây lại là một chủ đầu tư không có năng lực, phải gọi người khác góp vốn như thế là có nghĩa là đã chọn nhà đầu tư không đúng quy định của pháp luật. Còn nếu đã thế chấp ở ngân hàng vay tiền, chưa giải  chấp mà đem vào hợp tác kinh doanh thì sai vì về nguyên tắc khi chủ sử dụng đất đã sử dụng một quyền, nếu quyền đó về giá trị thì không được thực hiện các quyền khác. Như vậy phải khẳng định phần tài sản đã thế chấp ở ngân hàng không được thực hiện bất cứ quyền gì khác. Đất đang thế chấp thì hợp đồng đó là sai, nếu đưa ra toà thì toà sẽ tuyên là hợp đồng vô hiệu.

Đây là một lỗi rất lớn mà trên thực tế đã xảy ra như vụ việc Công ty của Bảo Sơn có nhà với Công ty Hồng Hạnh liên qua đến ngân hàng GP Bank. Đất đã thế chấp ngân hàng nhưng vẫn thực hiện quyền trên chính đất đó là sai. Pháp luật đã quy định không được làm nhưng các doanh nghiệp vẫn làm, thậm chí thông đồng với ngân hàng để làm thì chắc chắn là sai nhưng không phải lúc nào cũng phát hiện được vì các hợp đồng hợp tác kinh doanh thường không công khai, việc thế chấp cũng không công khai.

Một điểm nữa đó là việc chưa được phép xây dựng, chưa được quyết định thực hiện dự án đầu tư thì chắc chắn là lỗi. Giấy phép để thực hiện dự án hoặc là đăng ký dự án hoặc là giấy phép đầu tư tùy từng loại công trình khác nhau. Có xong rồi mà muốn xây dựng nhà cửa thì phải có giấy phép xây dựng không có giấy phép cũng sai.

PV: Với góc độ là một chuyên gia về quản lý đất đai, Giáo sư có kiến nghị gì về thực trạng trên?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Các quy định này thường nằm ở tầm cấp Bộ nhưng tôi rất hy vọng Nghị định 69 do Chính phủ ban hành năm 2009 và những điều kiện bắt buộc khi nào phải áp dụng thẩm định giá theo thị trường nhưng rất tiếc là nghị định 69 vẫn chưa làm được việc này. Nhưng nên có sớm, còn nếu để lâu hơn thì đó vẫn là một lỗ hổng gây thất thoát cực lớn, đã chuyển một phần giá trị đáng lẽ của Nhà nước vào túi cá nhân tham nhũng.

Xin cảm ơn Giáo sư!

(Theo Tamnhin)

  • 0
  • By Admin
  • 21/10/2010
  • 17