Bán đất được cấp không cần sổ đỏ?
Hiện tôi định bán lô đất nói trên, xin hỏi theo luật đất đai hiện hành thì có thể làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên người mua luôn? Tôi phải đóng các loại thuế, lệ phí nào? Xin cảm ơn. (Hai Tran Van)- Trả lời:
Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành thì bạn chỉ được quyền chuyển nhượng lại quyền sử dụng của lô đất trên (theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định) cho người khác khi lô đất đó đã có Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) hợp pháp.
Trong trường hợp đủ điều kiện để được chuyển nhượng QSDĐ thì bạn sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với mức thuế suất 25% trong trường hợp có đủ điều kiện xác định được thu nhập chịu thuế TNCN là có hóa đơn, chứng từ hợp lệ xác định rõ giá chuyển nhượng, giá vốn và chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng (thu nhập chịu thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ giá mua bất động sản và các chi phí liên quan).
Trường hợp không đủ điều kiện để áp dụng thuế suất 25% nêu trên thì áp dụng thuế suất 2% tính trên giá chuyển nhượng. Nếu giá chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm tính thuế cũng áp dụng thuế suất 2% tính trên giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.
Đối với khoản lệ phí trước bạ thì về nguyên tắc thì bên nhận chuyển nhượng phải đóng lệ phí trước bạ với mức 0,5% giá đất được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định theo khung giá đất của Chính phủ.
Ngoài ra, bạn còn phải đóng thêm một số khoản phí và lệ phí khác như phí đăng bộ, phí công chứng hợp đồng giao dịch …
Lưu ý: trong trường hợp QSDĐ trên là quyền sử dụng đất duy nhất tại Việt Nam (không có QSDĐ khác hoặc sở hữu nhà ở nào khác) thì bạn sẽ được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng cho người khác.
Ngoài ra, trong trường hợp không phải là đất ở duy nhất, bạn cũng sẽ được miễn thuế TNCN trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất trên cho các đối tượng như: chồng (hoặc vợ); cha đẻ, mẹ đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi; cha chồng, mẹ chồng (hoặc cha vợ, mẹ vợ); ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; anh, chị em ruột của bạn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
(Theo Tuổi Trẻ)
- 192
- By Admin
- 28/09/2010
- 17