Ban công lấn chiếm khoảng không chung, giải quyết thế nào?
Tôi muốn hỏi tôi phải làm thế nào để hộ này tháo gỡ ban công. Dù chúng tôi đã nhắc nhở nhưng hộ này trả lời "đã được làm từ lâu nên không sai luật và cũng không tháo dỡ". (phanlinh.vts@...)Trả lời
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, chủ sở hữu có các nghĩa vụ sau:
- Điều 263 quy định chủ sở hữu có nghĩa vụ bảo vệ môi trường khi sử dụng tài sản của mình. Nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.
- Điều 267 quy định chủ sở hữu có nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng. Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hóa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
Trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng quy định tại điều 10 Luật xây dựng 2003, có các hành vi sau:
- Vi phạm quy định về an toàn tính mạng con người, tài sản và vệ sinh môi trường trong xây dựng.
- Cơi nới, lấn chiếm không gian, khu vực công cộng, lối đi và các sân bãi khác đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố.
Việc công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến môi trường cũng có thể bị xử lý theo quy định tại điều 15 nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007. Cụ thể: trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả.
Dựa vào các quy định trên, nếu bạn và các hộ xung quanh cho rằng việc xây dựng ban công của hộ bên cạnh gây ô nhiễm môi trường, vi phạm xây dựng khi cơi nới, lấn chiếm không gian khu vực công cộng thì có thể nộp đơn đến UBND xã, phường, thị trấn để yêu cầu xử lý hành vi vi phạm nói trên, buộc người vi phạm thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Cần lưu ý, cơ quan có thẩm quyền có thể không thực hiện việc xử phạt xây dựng do hết thời hiệu xử phạt (thời hiệu này là hai năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện theo quy định tại điều 4 nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004), nhưng có quyền buộc áp dụng các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm gây ra.
Thạc sĩ luật Đặng Anh Quân
Đại học Luật Tp.HCM
(Theo TTO)
- 141
- By Admin
- 14/04/2011
- 17